Ngày 15 và 19/4 tới, kế hoạch MeKong Bank sáp nhập vào Maritime Bank sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Maritime Bank và MeKong Bank. Thông tin từ MeKong Bank cho biết, đối tác chiến lược nước ngoài của ngân hàng này là Fullerton Financials Holding (FFH) sẽ phải thoái vốn khỏi MeKong Bank và phần vốn 20% mà FFH nắm giữ sẽ được nhượng lại cho Maritime Bank khi Maritime Bank và MeKong Bank về chung một nhà.
FFH là công ty 100% vốn của Temasek Holdings - tập đoàn tài chính hàng đầu của Singapore. Năm 2010, FFH chính thức trở thành cổ đông chiến lược của MeKong Bank, đưa vốn điều lệ của MeKong Bank từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng và sau đó, tiếp tục tăng lên 3.700 tỷ đồng. FFH cũng bắt đầu triển khai áp dụng thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tại MeKong Bank.
Không chỉ đóng vai trò tư vấn, FFH còn đồng hành với MeKong Bank thông qua việc trực tiếp làm việc với đội ngũ nhân viên, nhằm chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức, tiêu chuẩn quốc tế.
FFH cho biết, đang trong lộ trình đưa MeKong Bank phát triển và sẵn sàng tài trợ vốn đầu tư cho triển vọng dài hạn của MeKong Bank. Thế nhưng, với thương vụ sáp nhập MeKong Bank vào Maritime Bank, FFH sẽ phải thoái toàn bộ vốn khỏi MeKong Bank.
Đại diện MeKong Bank cho biết, sau khi thoái vốn khỏi MeKong Bank, FFH sẽ tìm kiếm một ngân hàng trong nước khác để cùng nhau hợp tác, phát triển.
Không chỉ có cổ đông chiến lược ngoại của MeKong Bank tiến thoái lưỡng nan trước kế hoạch M&A, trước đó, thông tin Southern Bank sẽ sáp nhập vào Sacombank trong mùa hè năm nay cũng khiến nhiều người cho rằng, việc chưa tìm được đối tác nước ngoài có thể là một điểm trừ đối với Sacombank trong ngắn hạn.
Trên thực tế, trong 2 năm qua, sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài của Sacombank là ANZ thoái vốn và chuyển nhượng lại cho Eximbank (tỷ lệ 9,7%), Sacombank đã ráo riết lên kế hoạch thu hút vốn nước ngoài. Tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được cổ đông thông qua tại kỳ Đại hội đồng cổ đông năm 2013 ở mức tối đa 20%.
HĐQT Sacombank cho hay, đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài trao đổi, tìm hiểu để tiến tới hợp tác. Nhưng sau gần 2 năm, kế hoạch trên vẫn bất thành. Nguyên nhân được cho là nhà đầu tư nước ngoài e ngại trước tình trạng sở hữu chéo của một nhóm cổ đông có tỷ lệ cổ phần chi phối khá lớn tại Sacombank.
Các đánh giá đưa ra từ giới phân tích chứng khoán cho rằng, việc Sacombank vừa mở lại “room” 20% cho nhà đầu tư nước ngoài trước đây bị khóa có thể cũng là một phần trong kế hoạch M&A với Southern Bank. Bởi hiện Southern Bank đã có cổ đông nước ngoài là Tập đoàn UOB (Singapore) đang nắm giữ 20% cổ phần.
Đáng lưu ý, 20% cổ phần của UOB tại Southern Bank sẽ được hoán đổi để lấy cổ phần tại Sacombank khi hai ngân hàng này tiến tới sáp nhập (khả năng hoàn tất trong năm nay), sẽ làm tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại Sacombank. Vì thế, theo nhận định của các chuyên gia tiền tệ, nếu thương vụ M&A này hoàn tất, Sacombank sẽ phải cần 1 - 2 năm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, củng cố trước khi bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới với đối tác chiến lược nước ngoài.
Trong khi đó, thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho hay, NHNN đang lên kế hoạch tiếp tục tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt 1, chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài, vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Như vậy, thông tin về việc GP Bank sẽ bán 100% vốn cho cổ đông ngoại đến nay đã rõ ràng. Tuy phía GP Bank chưa tiết lộ đối tác chiến lược nước ngoài là ai, nhưng theo các nguồn thạo tin trên thị trường, khả năng ngân hàng này sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB (Singapore).
Điều đó cũng không loại trừ khả năng Tập đoàn OUB sẽ thoái vốn tại Southern Bank khi ngân hàng này sáp nhập vào Sacombank để “mua đứt” GP Bank.
Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, M&A trong lĩnh ngân hàng sẽ đến nhanh hơn so với các thương vụ trước đây. Vì thế, nhiều khả năng sẽ còn có thêm một số ngân hàng nhỏ phải sáp nhập, hợp nhất trong năm nay. “Thương vụ Southern Bank sáp nhập Sacombank hay MeKong Bank vào Maritime Bank được xem là những thương vụ M&A có nét tương đồng khi đơn vị sáp nhập có tỷ lệ chi phối lớn tại đơn vị bị sáp nhập, nên M&A là tất yếu, vấn đề còn lại chỉ là thời gian”, ông Nghĩa nói.