Theo kết quả khảo sát về đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các DN chưa niêm yết do Grant Thornton thực hiện trong quý IV/2014, có 64% người tham gia lựa chọn “Hấp dẫn” hoặc “Rất hấp dẫn” khi được hỏi về mức độ hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam, tăng đáng kể so với mức 54% của lần khảo sát trước.
Ý kiến cho rằng đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn giảm đáng kể, từ 26% ở kỳ khảo sát trước xuống còn 10%. Bên cạnh đó, 87% người được khảo sát cho biết, họ muốn duy trì và gia tăng phân bổ đầu tư vào Việt nam trong 12 tháng tới.
Giáo dục; bất động sản; thực phẩm và đồ uống; bán lẻ tiếp tục được xem là những ngành thu hút đầu tư hàng đầu.
Trong đó, giáo dục được lựa chọn là hấp dẫn nhất với 36%, tăng thêm đến 18% so với kỳ khảo sát trước. Theo nhận định của Grant Thornton, sau 5 năm kể từ khi các tổ chức giáo dục 100% vốn nước ngoài được phép thành lập theo cam kết WTO, ngành giáo dục vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể nào.
Nguyên nhân có thể là từ các rào cản pháp lý như giới hạn học sinh có quốc tịch Việt Nam được nhập học tại trường quốc tế ở mức 10 - 20%, yêu cầu về vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài, trên 10 năm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với việc hiệp định AFTA chính thức được áp dụng, cùng với hiệu lực của các thoả thuận công nhận lẫn nhau về nguồn lao động (MRA), cho phép luân chuyển nguồn nhân lực có tay nghề, dự báo nhu cầu về giáo dục tư nhân cho công dân địa phương và gia đình ngoại quốc sẽ tăng lên.
Tiếp đến là ngành bất động, theo Grant Thornton, rất nhiều NĐT nước ngoài đang đặt nhiều kỳ vọng vào ngành này do thị trường phục hồi và dự báo nhu cầu nhà ở của người dân địa phương và người nước ngoài gia tăng sau khi một số chính sách mới liên quan được ban hành gần đây thông thoáng hơn.
Đối với thực phẩm và đồ uống, ngành này đang thể hiện cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các NĐT nhờ dân số đông (90 triệu dân) và tăng trưởng tiêu thụ lương thực bình quân đầu người cao (ở mức tăng trưởng kép đạt 14,8% trong giai đoạn năm 2014 - 2018).
Đối với ngành bán lẻ, đã có một số tập đoàn hàng đầu đang thể hiện mối quan tâm đặc biệt trong việc bành trướng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, Grant Thornton dự báo, ngành này sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ năm 2015.
Trong hai cuộc khảo sát tiến hành trong năm 2014, có khoảng 1/3 ý kiến trả lời cho thấy, nhà đầu tư sẽ duy trì các khoản đầu tư dài hạn trên 5 năm (35% trong quý II và 32% trong quý IV).
Báo cáo khảo sát cũng cho biết thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch được hoàn tất trong 12 tháng tới, chủ yếu là do sự phục hồi của nền kinh kế, sẽ mang đến nhiều cơ hội cho việc thoái vốn tại mức giá trị cao hơn.