Nhà đầu tư “ngó nghiêng” Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor (VIF)

(ĐTCK) Theo kế hoạch, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor (mã chứng khoán VIF, sàn UPCoM) sẽ lên niêm yết trên HNX trước ngày 30/9/2019.  Chỉ trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu VIF đã tăng 25%.  
Nhà đầu tư “ngó nghiêng” Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor (VIF)

Vinafor được cổ phần hóa vào năm 2016 và từ ngày 12/1/2017, Tổng công ty chính thức đưa 350 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Giá đóng cửa trong phiên giao dịch đầu tiên là 14.200 đồng/cổ phiếu, sau đó loanh quanh ở mức 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu trong suốt năm 2017.

VIF cũng có giai đoạn tăng khá tốt đầu năm 2018, lên mức 16.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản không đáng kể. Điều này không khó hiểu, bởi cơ cấu cổ đông của VIF khá cô đặc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh, từ mức 16.000 đồng/cổ phiếu thời điểm 15/6/2019 đã tăng lên 21.000 đồng/cổ phiếu trong phiên đầu tuần này (15/7). Thanh khoản của cổ phiếu này cũng được cải thiện, khi khối lượng giao dịch bình quân đạt 9.200 đơn vị/ngày, cao hơn hẳn so mức bình quân 1 năm qua, chỉ hơn 1.500 đơn vị/ngày.

Thông tin đáng chú ý của Vinafor trong thời gian qua là Đại hội đồng cổ đông thường niên (diễn ra ngày 27/6/2019) đã thông qua nghị quyết về việc niêm yết cổ phiếu trên HNX trước ngày 30/9 năm nay. Ngay sau Đại hội, VIF cùng công ty tư vấn hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết trên HNX theo đúng quy định pháp luật.

Mới đây, Vinafor thông báo, ngày 22/7 sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 14/8/2019. Hiện VIF có 350 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng cần chi khoảng 700 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này.

Trong cơ cấu cổ đông của VIF, cổ đông Nhà nước hiện nắm 51% vốn. Từ cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại VIF về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài cổ đông nhà nước, còn hai cổ đông lớn có liên quan đến ông Đỗ Quang Hiển là CTCP Tập đoàn T&T và Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, lần lượt nắm giữ 40% và 4,73% cổ phần. Các cổ đông nhỏ chỉ nắm tổng cộng hơn 4% cổ phần.

Vinafor hoạt động theo mô hình tập đoàn với 46 công ty con, liên kết, hoạt động trên các lĩnh vực theo chuỗi giá trị ngành lâm nghiệp như trồng rừng, sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất nguyên liệu giấy; sản xuất chế biến gỗ; sản xuất ván nhân tạo (MDF, ván bóc, ván ép).

Tổng công ty đang quản lý khai thác hàng chục ngàn héc-ta đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, phủ rộng khắp nhiều tỉnh thành. Đáng chú ý, VIF có mối quan hệ truyền thống với Tập đoàn Yamaha Nhật Bản (sở hữu 30% vốn tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam), Tập đoàn Sojitz Nhật Bản (chế biến dăm gỗ), cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T.

Năm 2019, Vinafor đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 2.762 tỷ đồng; trong đó, doanh thu công ty mẹ ước đạt 1.588 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 870 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Tổng công ty ước tính đạt doanh thu 792 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 502 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch cả năm.

Ban lãnh đạo Vinafor cho biết, các liên doanh như Yamaha Motor Việt Nam (thị phần đứng thứ 2, sau Honda) và Công ty MDF Vinafor Gia Lai đang mang lại lợi nhuận rất tốt cho Tổng công ty. Các liên doanh khác dù gặp khó khăn, nhưng cơ bản Vinafor không bị mất vốn.

Theo báo cáo tài chính, việc đầu tư vào các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đã mang lại dòng tiền tốt cho Vinafor. Năm 2018, Vinafor nhận hơn 960 tỷ đồng tiền cổ tức, gấp đôi so với năm 2017.

Vinafor có cơ cấu nợ vay thấp, chưa đến 200 tỷ đồng, trong khi tiền gửi có kỳ hạn lên đến hơn 2.570 tỷ đồng, xấp xỉ gần 50% vốn hoá thị trường tại thời điểm cuối năm 2018. Nhiều nhà đầu tư “ngó nghiêng” VIF, nhưng chưa mạnh dạn xuống tiền khi có phiên VIF tăng gần kịch trần (14,9%), có phiên lại giảm đến 10% thị giá.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục