Nhà đầu tư nên tham lam hay sợ hãi?

(ĐTCK) Biến động giật cục của TTCK Việt Nam trong 2 phiên vừa qua có thể thấy, sân chơi này đang không dành cho nhà đầu tư chứng khoán “yếu tim”. Nhà đầu tư nên tham lam hay sợ hãi ở thời điểm này?
Nhà đầu tư nên tham lam hay sợ hãi?

Ðiều đang xảy ra…

Phiên 11/10, VN-Index giảm hơn 48 điểm khi toàn thị trường ghi nhận 580 mã đỏ lửa. Tuy nhiên, thanh khoản lại tăng mạnh khi đạt 490 triệu đơn vị, tương đương 9.776 tỷ đồng. Chứng khoán Việt Nam mất điểm, theo nhiều thành viên thị trường, có xuất phát từ việc giảm mạnh của TTCK Mỹ và sau đó là nhiều TTCK quốc tế.

Ngoài yếu tố phản ứng dây chuyền, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, chứng khoán Việt giảm mạnh ngày 11/10 còn do xuất hiện nỗi lo nhà đầu tư ngoại thoái vốn khi khối này đã bán ròng liên tục trong gần 1 tuần trước đó.

Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư e ngại, khả năng thị trường thế giới còn điều chỉnh nữa khi các diễn biến kinh tế, chính trị còn nhiều phức tạp. Yếu tố tiếp theo là mặt bằng lãi suất trên thị trường ngân hàng gần đây nhích lên, khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng với kênh cổ phiếu.

“So với mức đáy hồi tháng 7/2018, nhiều mã đã tăng mạnh 50-60% nên dư địa tăng bị thu hẹp lại. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị phân hóa, không tạo ra sự đồng thuận nên VN-Index khó vững đà”, ông Bình nói.

Theo CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS), điều đáng lưu ý là dòng tiền giao dịch có tỷ lệ margin cao. Khi thị trường đảo chiều, áp lực bán ra thường rất mạnh ở dòng tiền đầu tư này.

Quan sát thị trường cho thấy, nhiều cổ phiếu tốt, chất lượng cũng bị áp lực bán ra trong phiên thị trường rơi mạnh do một phần đến từ việc nhà đầu tư phải bán để xử lý câu chuyện margin trong tài khoản.

Theo nhiều ý kiến, diễn biến TTCK trong ngắn hạn là phức tạp và khó lường bởi thị trường đang chịu tác động của quá nhiều yếu tố, cả quốc tế và trong nước.

Với nhận định thị trường đang tiếp tục có xu hướng điều chỉnh và phân hoá cao, các chuyên gia lưu ý, ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên bán để giảm tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt đối các nhóm nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy margin cao.

Nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn nên duy trì một tỷ trọng ở mức độ vừa phải, tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản có tiềm năng tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Nhịp điều chỉnh là cơ hội cho nhà đầu tư

Tại hội thảo có chủ đề “Cơ hội nào trong thị trường đầy biến động?” do CTCK KB Việt Nam (KBSV) tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích KBSV cho rằng, nhìn dài hơn một chút sẽ thấy, TTCK Việt Nam hiện đang ở nửa sau của chu kỳ tăng trưởng mạnh và đã xuất hiện một số tín hiệu sớm cho thấy, thị trường chuẩn bị bước sang giai đoạn hậu tăng trưởng (xem bảng).

Chu kỳ này được đánh giá sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2020. Nếu thị trường tiếp tục biến động với biên độ rộng như những phiên vừa qua thì khả năng tạo đáy là chưa kết thúc, thậm chí chỉ số VN-Index có thể rơi dưới mức 900 điểm.

Theo KBSV, các yếu tố chính mang tính rủi ro tác động tiêu cực đến thị trường bao gồm: Rủi ro căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang; động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và chính sách tiền tệ mang tính thận trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Dù vậy, KBSV chia sẻ một góc nhìn lạc quan khi cho rằng, các nhịp điều chỉnh giảm chính là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư nên tập trung ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn, tiềm lực tài chính mạnh, hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế với lợi thế về quy mô, thị phần chi phối, chuỗi cung ứng… thuộc các ngành như ngân hàng, công nghệ thông tin, logistic, hàng tiêu dùng.

Đánh giá TTCK trong quý IV/2018, KBSV duy trì quan điểm lạc quan với triển vọng thị trường được hỗ trợ bởi nền kinh tế đang ở trạng thái lành mạnh, tăng trưởng tốt, thể hiện trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn trên sàn. KBSV lưu ý nhà đầu tư quan tâm đến nhóm mid-cap thuộc các ngành bắt đầu cho tín hiệu phục hồi như dầu khí, nguyên vật liệu.

Phiên hồi phục hơn 24 điểm cuối tuần qua (ngày 12/10) đã phần nào trấn an tâm lý rơi sâu của nhiều nhà đầu tư ở phiên trước đó.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và chiến lược KBSV cho rằng, nền kinh tế vẫn trong chu kỳ hồi phục, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết, nhất là các doanh nghiệp lớn vẫn vững đà tăng, sẽ tiếp tục là yếu tố nền tảng hỗ trợ TTCK.

Bên cạnh đó, kỳ vọng vào việc nâng hạng của thị trường, cùng việc đẩy nhanh các thương vụ chào bán lần đầu, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ là những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến TTCK quý cuối năm.

Nhìn nhận về phiên 12/10, ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, mức tăng  gần 2,6% tuy cao, nhưng vẫn còn khá yếu nếu so với mức giảm gần 5% của phiên trước đó.

Thực tế cho thấy, việc thị trường hồi phục trở lại sau mỗi phiên giảm sâu là khá thường gặp, điều quan trọng là đà hồi phục có bền vững hay không. Trong giai đoạn này, với những thông tin bất lợi và khó kiểm soát bên ngoài, đà hồi phục của thị trường sẽ khó bền nên nhà đầu tư cần thận trọng.

“Nhà đầu tư nếu đã mua được cổ phiếu giá thấp trong 2 phiên cuối tuần qua cần tiếp tục quan sát phản ứng thị trường trong những phiên tới, nhất là trong vùng giá 975-995 điểm (MA5-20 tuần).

Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao cũng nên giảm bớt trong vùng giá này. Với nhà đầu tư đang cầm tiền mặt và chưa tham gia mua vào 2 phiên vừa qua, vẫn nên đứng ngoài quan sát thêm và không mua đuổi trong tuần giao dịch tiếp theo”, ông Hiển khuyến nghị.

Cuối tháng 10 là thời điểm TTCK đón nhận kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Vào thời điểm chứng khoán trồi sụt khó đoán, nhà đầu tư nên làm gì? “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi” là câu nói nổi tiếng của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.

Nhưng làm thế nào để có thể xác định được thời điểm thị trường biểu lộ đám đông đang sợ hãi đến mức đáng tham lam? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm, nhưng chẳng chuyên gia nào chỉ ra được dấu hiệu để nhận ra điểm sợ hãi của đám đông đến mức đáng mua vào.

Câu hỏi trực diện hơn hiện tại là chọn mua hay đứng ngoài thị trường?

Theo KBVS, thị trường luôn có nhiều cơ hội. Với xu hướng tăng mạnh trong 2 năm qua, việc thị trường điều chỉnh trong một số phiên là bình thường.

Nhiều nhà đầu tư bám sàn đã quá quen với những diễn biến giật cục của chứng khoán, nay giảm, mai tăng, nên một lượng không nhỏ nhà đầu tư cứ âm thầm chọn mã, chọn thời điểm vào - ra theo khẩu vị của riêng mình.

Thanh khoản thị trường tăng đột biến lên trên 9.000 tỷ đồng (tăng 88%) trong phiên VN-Index và HNX-Index giảm mạnh (11/10) là một minh chứng cho thấy, có không ít người sẵn sàng “tham lam”…              

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục