Trên sàn HOSE, những mã chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn, tác động mạnh nhất đến VN-Index hiện nay là: VNM, SAB, VIC, VCB, GAS, ROS, BID, PLX, CTG, MSN.
Giá trị vốn hóa của 10 mã này chiếm trên 50% tổng giá trị vốn hóa toàn sàn. Do VN-Index được tính dựa trên cơ sở vốn hóa, nên chỉ cần Top 10 tăng giá, thì dù tất cả các mã khác giảm giá, chỉ số vẫn sẽ tăng điểm và ngược lại.
Trong lịch sử, VN-Index từng có không ít lần bị méo mó vì biến động giá bất thường của các mã vốn hoá lớn, không thể hiện đúng diễn biến chung. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư vẫn căn cứ vào VN-Index để đánh giá và dự báo xu hướng thị trường. Nhưng gần đây, các mã vốn hóa lớn có tác động quá mạnh, khiến chỉ báo này không còn đáng tin cậy, nhiều nhà đầu tư mất phương hướng, mất niềm tin vào thị trường.
Không ít nhà đầu tư cho rằng, có các nhóm nhà đầu tư lớn tác động lần lượt vào các mã cổ phiếu trụ cột, nhằm hưởng lợi từ sự biến động giá cổ phiếu cũng như chỉ số. Các mã trụ luân phiên nhau đỡ chỉ số kể từ khi vượt vùng 800 điểm ngày 4/10/2017. Trong đó, đáng kể nhất là sự “thăng hoa bất thường” của cổ phiếu ROS, khi tăng giá từ 115.500 đồng/cổ phiếu ngày 17/10 lên ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc tháng 10, phần lớn là tăng giá trần.
Những phiên đầu tháng 11, cổ phiếu ROS tiếp tục tác động mạnh đến chỉ số khi liên tục tăng giảm gần như hết biên độ tại thời điểm kết thúc phiên cũng như trong từng phiên giao dịch. Chẳng hạn, phiên 2/11, giá cổ phiếu ROS giảm 6,4%, trong phiên này, VN-Index giảm 9,6 điểm; phiên 3/11, giá cổ phiếu ROS tăng 6,9%, trong phiên này, VN-Index tăng 10,6 điểm. Mức độ ảnh hưởng của riêng mã này đến chỉ số là hơn 2,4 điểm/phiên.
Một số mã lớn khác gần đây cũng biến động giá mạnh và có dấu hiệu bất thường, kéo theo VN-Index dao động bất thường, khiến việc phân tích, định lượng thị trường trở nên thiếu cơ sở, kém tin cậy.
VN-Index đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần này (6/11) ở mức 849 điểm, lập kỷ lục mới trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu tháng 10 cũng như thời điểm đầu năm, thì đa số cổ phiếu giảm giá. Đơn cử, từ ngày 18 - 30/10, VN-Index tăng gần 26 điểm (+3,1%), đạt 845,2 điểm, có 91 cổ phiếu tăng giá, 235 mã giảm giá, 15 mã đứng giá. Trong giai đoạn này, cổ phiếu ROS tăng giá mạnh nhất (gần như tăng kịch trần trong cả 9 phiên), tăng 82,5%; 12 mã khác tăng hơn 10%, còn lại tăng dưới 10%. Trong các mã giảm giá, có 46 mã giảm trên 10%, còn lại giảm dưới 10%.
Khi chỉ số tăng cao, nhưng nhiều nhà đầu tư thua lỗ, thì niềm tin vào thị trường sẽ giảm và xu hướng tăng nhiều khả năng không bền vững.
Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư quan ngại, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến bất thường có thể do bị một số nhóm nhà đầu tư lớn tác động, qua đó hưởng lợi từ thị trường chứng khoán phái sinh. Bởi lẽ, chỉ số cơ sở của các chứng khoán phái sinh hiện tại là VN30, chỉ số này bao gồm những cổ phiếu vốn hóa lớn.
Từ phía thị trường, nhiều nhà đầu tư chờ đợi chứng quyền có đảm bảo sẽ sớm được giao dịch trên HOSE, giúp nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận trong cả trường hợp giá cổ phiếu đi xuống. Khi đó, kỳ vọng nhà đầu tư sẽ sử dụng công cụ này hiệu quả để phòng chống rủi ro, cũng như tìm kiếm lợi nhuận.
Trước mắt, với tình hình thị trường hiện nay, những nhà đầu tư mới e ngại rủi ro nên cân nhắc kỹ hơn trước khi rót vốn, thậm chí nên đứng ngoài thị trường. Những nhà đầu tư bám trụ quan tâm tới thanh khoản, tổng khối lượng mua bán, mức độ lan tỏa của dòng tiền và những câu chuyện riêng của cổ phiếu, hơn là biến động xanh đỏ của chỉ số.
Mặt khác, nếu loại trừ tác động của một số cổ phiếu như ROS, thì P/E bình quân của thị trường hiện khoảng 15 - 16 lần, tức không quá cao so với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp năm nay và triển vọng năm tới.
Xét phân tích kỹ thuật, do được một số cổ phiếu vốn hóa lớn hỗ trợ nên chỉ số không giảm, nếu loại trừ tác động của các mã này thì thị trường thực tế đang rơi vào xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, khi nhiều mã điều chỉnh giá khá sâu, định giá cổ phiếu ở mức thấp hơn nhiều mặt bằng chung.