Nhà đầu tư nào mong cổ phiếu Vietnam Airlines?

(ĐTCK) Tham khảo của ĐTCK với một số chuyên gia tư vấn cho thấy, nhà đầu tư tài chính hiện không mấy mặn mà với cơ hội mua cổ phiếu của Vietnam Airlines.
Nhà đầu tư nào mong cổ phiếu Vietnam Airlines?

Trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Phạm Ngọc Minh cho biết, nếu không có gì thay đổi, IPO (chào bán cổ phần ra công chúng) sẽ diễn ra trong khoảng thời gian cuối quý II/2014. Nhà đầu tư nào đang chờ đợi cuộc IPO của Vietnam Airlines?

Nhà đầu tư tài chính không dễ “nhập cuộc”

Sau nhiều năm trì hoãn, cuộc IPO của Vietnam Airlines có lịch mới là quý II/2014. Tuy nhiên, tham khảo của ĐTCK với một số chuyên gia tư vấn cho thấy, nhà đầu tư tài chính hiện không mấy mặn mà với cơ hội mua cổ phiếu của DN này.

Ông Michel Tosto, Giám đốc giao dịch chứng khoán Khách hàng tổ chức của CTCK Bản Việt cho biết, không có nhiều khách hàng quan tâm đến chương trình IPO của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bởi nhiều lý do. Thứ nhất, nhiều đợt IPO DNNN tại Việt Nam trước đây thường bị đẩy lên quá cao, khiến nhà đầu tư khó có lãi. Thứ hai, theo ông Tosto là ngành hàng không trên khắp thế giới “là một ngành khắc nghiệt, khó kiếm ra lợi nhuận, nên nhà đầu tư tài chính thông thường ít quan tâm đến cổ phiếu ngành này”.

Một chuyên gia khác, ông Johan Kruimer, Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức của CTCK TP. HCM (HSC) chia sẻ rằng, có rất ít khách hàng của ông quan tâm tới cuộc IPO Vietnam Airlines, sau khi họ nhận thấy nhiều cuộc IPO DNNN lớn trước của Việt Nam chỉ bán một tỷ lệ cổ phiếu rất nhỏ ra công chúng, nên vị thế của nhà đầu tư tại các DN này chỉ là cổ đông nhỏ, khó có tiếng nói tại DN.

Ông Kruimer dẫn chứng, cuộc IPO năm 2010 của PetroVietnam Gas chỉ bán xấp xỉ 3,2% số cổ phiếu của Tổng công ty ra công chúng và phải mất đến 2 năm sau đó, DN này mới đưa cổ phiếu lên sàn. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cuối năm 2011 cũng chỉ bán chưa đến 5% cổ phiếu ra công chúng và cho đến nay chưa có động tĩnh gì cho việc đưa cổ phiếu lên sàn, dù theo quy định pháp lý, các công ty đại chúng phải niêm yết trong vòng 1 năm sau IPO. “Việc các DNNN lớn chỉ bán một lượng nhỏ cổ phần và chậm lên sàn niêm yết là những lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với các đợt IPO”.

Ngoài những lý do trên, một lý do khác, theo ông Kruimer là, thực tế các hãng hàng không trên thế giới rất khó có thể đem lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư trong một thời gian dài. Ngoại trừ cổ phiếu của Singapore Airlines và Hãng hàng không châu Âu Ryanair, phần lớn cổ phiếu hàng không như của Cathay, Thai, Malaysian, Qantas, European và Bắc Mỹ… đều không mang lại lợi ích mong đợi cho cổ đông của họ.

 

Nhà đầu tư chiến lược ở đâu?

Thông tin về cổ phần hóa Vietnam Airlines không phải bây giờ mới được công bố mà trước đó, từ năm 2012, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đã đặt kỳ vọng sẽ IPO thành công DN ngay trong năm này. Sang năm 2013, truyền thông thêm một lần “làm đậm” câu chuyện cổ phần hóa Vietnam Airlines khi Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 16/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có nội dung Công ty mẹ của Vietnam Airlines sẽ cổ phần hóa năm 2013. Nay, như ông Phạm Ngọc Minh nói, tiến trình cổ phần hóa tại Vietnam Airlines diễn ra theo đúng lộ trình để có thể IPO vào quý II/2014.

Để chuẩn bị cho quá trình này, theo tìm hiểu của ĐTCK, tháng 4/2013, Vietnam Airlines đã chính thức ký hợp đồng thuê tư vấn với Liên danh nhà thầu Morgan Stanley và Citigroup, cùng với hai nhà thầu trong nước khác là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) và CTCP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam. Theo đó, bên tư vấn sẽ thực hiện đánh giá sơ bộ giá trị doanh nghiệp, tiếp đến sẽ thống nhất đưa ra thời gian biểu chi tiết cho các công việc tiền IPO, bao gồm báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp, lập Bản cáo bạch, Bản công bố thông tin cùng các tài liệu cần thiết khác cho đợt IPO. Giai đoạn lập hồ sơ này dự kiến mất khoảng 6 tháng, sau đó các hồ sơ sẽ được trình cơ quan quản lý chính thức phê duyệt. “Hiện nay, chương trình cổ phần hóa Vietnam Airlines đang trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp", nguồn tin của ĐTCK cho biết.

Với vị thế là DN chi phối thị phần trong ngành hàng không nội địa, cuộc IPO của Vietnam Airlines chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược - những người muốn bỏ tiền vào Vietnam Airlines không phải vì cổ tức hay chênh lệch giá, mà muốn đặt chân vào thị trường hàng không Việt Nam cho những tham vọng lớn hơn. Hiện chưa có thông tin về các cuộc đàm phán, nhưng việc Vietnam Airlines chọn Morgan Stanley và Citigroup là 2 nhà tư vấn ngoại chính thức cho công cuộc cổ phần hóa, hứa hẹn một cái kết đẹp cho câu chuyện này, bởi Morgan Stanley và Citigroup là hai hãng cung cấp dịch vụ tư vấn, tài chính hàng đầu thế giới.

Hải Linh
Hải Linh

Tin cùng chuyên mục