Nhà đầu tư lớn vẫn trên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch thanh khoản tăng cao kỷ lục và áp lực bán cổ phiếu diễn ra trên diện rộng.
Nhà đầu tư lớn vẫn trên sàn

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (20/8), chỉ số VN-Index giảm 3,3%, tương ứng giảm 45,42 điểm về 1.329,43 điểm; chỉ số VN30 giảm 3,63%, tương ứng giảm 54,56 điểm về 1.450,45 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về các mã đỏ khi có tới 302 mã giảm, chiếm 74% tổng số cổ phiếu; 31 mã tham chiếu; và chỉ có 75 mã xanh.

Biểu đồ chỉ số VN-Index đạt thanh khoản kỷ lục từ trước tới nay

Biểu đồ chỉ số VN-Index đạt thanh khoản kỷ lục từ trước tới nay

Thanh khoản trên sàn HOSE đạt kỷ lục 1.206,5 triệu cổ phiếu được trao tay, tương ứng tổng giá trị 38.349,61 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng khớp lệnh liên tục đạt 1.172 triệu cổ phiếu, gấp gần 1,8 lần so với trung bình 20 phiên trở lại đây.

Áp lực bán của thị trường kéo dài từ đầu phiên sáng tới khi đóng cửa, trong đó đặc biệt từ 11h trở về sau khi thông tin về việc người dân TP.HCM bắt đầu từ ngày 23/8 “ai ở đâu ở yên đấy” được lãnh đạo thành phố cho biết tại cuộc họp báo về cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vào sáng ngày 20/8.

Đỉnh điểm của thị trường là lúc 14h16, chỉ số VN-Index giảm hơn 4,1%, tương ứng giảm 56,96 điểm về vùng 1.317,89 điểm và nhiều cổ phiếu giao dịch tại mức giá sàn như DIG, SCR, DRC, MSB, GVR, PVD, DXG, IJC, PVT, VHC, PET... Tuy nhiên, sau đó thị trường có dấu hiệu hồi phục và đóng cửa ở một mức giá cao hơn.

Trên các diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư cũng thể hiện sự lo lắng việc tăng cường biện pháp giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như có thể kích hoạt một số động thái chốt lời của các nhà đầu tư khi thị trường liên tục tăng điểm. Ngoài ra, hiệu ứng bán theo đám đông cũng xuất hiện ở một số cổ phiếu đang giao dịch trên sàn.

Thị trường mới trải qua chuỗi phục hồi mạnh

Nếu xét từ ngày 19/7 đến 19/8/2021, thị trường đã trải qua một chuỗi hồi phục và tăng điểm, trong đó đà tăng tập trung vào nhóm Midcap. Cụ thể, trong giai đoạn này, chỉ số VN-Index tăng 10,6% lên 1.374,85 điểm, chỉ số Midcap tăng 13,9% lên 1.689,85 điểm.

Dòng tiền trên thị trường tập trung vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực 6 tháng đầu năm và kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi như nhóm vận tải (HAH, VOS…), cảng biển (GMD, VSC, DXP …), phân bón (DPM, DCM, BFC …), hóa chất (DGC, PLC), một số cổ phiếu bất động sản có điểm rơi lợi nhuận cuối năm (NTL, HDG, DIG, SCR, HDC, NLG…).

Thống kê trong giai đoạn trên, thị trường đã trải qua 23 phiên tăng điểm, hiện tượng rung lắc của cổ phiếu và thị trường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu trong phiên và sau đó nhanh chóng tiếp tục tăng điểm, nhiều cổ phiếu Midcap giao dịch vùng đỉnh lịch sử với chỉ báo RSI vượt 70, thậm chí nhiều cổ phiếu như HAH, VOS, DPM, PLC… giao dịch vùng 80 - 90.

Biểu đồ tương quan giữa VN-Index và nhóm Midcap (Nguồn: Investing.com)

Biểu đồ tương quan giữa VN-Index và nhóm Midcap (Nguồn: Investing.com)

Như vậy, các cổ phiếu Midcap nói riêng và thị trường nói chung đã trải qua chuỗi tăng điểm mạnh, việc các nhà đầu tư bán sớm cũng khó lựa chọn cổ phiếu để mua vào, nếu mua vào cũng mang tâm thế lướt sóng và mua vùng giá cao của cổ phiếu. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư chọn lựa chiến lược đầu tư ngắn hạn, mua nhanh và bán nhanh để tận dụng sóng tăng của thị trường.

Tuy nhiên, việc thị trường đã trải qua chuỗi phục hồi trong 23 phiên liên tiếp và chưa có những phiên giảm điểm đáng kể, nên trong các phiên rung lắc mạnh là thời điểm áp lực chốt lời gia tăng. Bên cạnh đó, với mặt bằng giá cổ phiếu cao sẽ khó thu hút nhà đầu tư vào mua mới.

Dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư lãi lớn vẫn duy trì trên sàn

Kể từ ngày 19/7 tới nay, thanh khoản cao của thị trường tiếp tục duy trì, trong đó đa phần các nhà đầu tư trading chứng khoán đều có lãi. Đặc biệt, nếu nhà đầu tư nhạy sóng với các cổ phiếu Midcap, tỷ suất sinh lời tương đối cao.

Với tâm thế lãi trong giai đoạn trước đó và có thể bán chốt lời sớm cổ phiếu trong các phiên thị trường giao dịch vùng quá mua, một lượng tiền lớn trên tài khoản vẫn đang chờ cổ phiếu tạo mặt bằng giá hấp dẫn để thực hiện bắt đáy.

Biểu đồ các thị trường chứng khoán khu vực gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore (Nguồn: Investing.com)

Biểu đồ các thị trường chứng khoán khu vực gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore (Nguồn: Investing.com)

Ngoài ra, khảo sát các thị trường khu vực khi hoạt động giãn cách xã hội được thực hiện nhằm mục địch kiểm soát số ca nhiễm biến thể Delta và đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin, thị trường có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ và giao dịch ổn định theo xu hướng tăng từ đầu năm tới nay. Trong đó, đặc biệt khi tỷ lệ tiêm chủng đạt một ngưỡng nhất định, giới đầu tư ở các quốc gia này bắt đầu tham gia mạnh vào thị trường, sẽ giúp các chỉ số quay lại tăng điểm ngay sau đó với kỳ vọng kinh tế dần mở cửa trở lại.

Đặc biệt, trong quá khứ khu vực châu Âu là nơi có diễn biến dịch có xu hướng tăng mạnh năm 2020, sau đó bằng việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin, thị trường bắt đầu kỳ vọng và các chỉ số chính khu vực đều tăng điểm mạnh, vượt vùng đỉnh trước đó.

Quay trở lại Việt Nam, với việc tăng cường biện pháp giãn cách ở TP.HCM, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin để sớm chạm được ngưỡng 70 - 80%, điều này kỳ vọng nền kinh tế lớn trong cả nước sẽ sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và khi đó giới đầu tư sẽ bắt đầu tập trung vào nhóm cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế sẽ bắt đầu mở cửa trở lại như các nước châu Âu trong quá khứ và một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu mở cửa khi tiêm chủng vắc xin đạt tỷ lệ cao.

Có thể thấy, ngắn hạn nhà đầu tư đang chịu áp lực về biện pháp tăng cường trong kiểm soát dịch, cũng như việc cổ phiếu tăng cao chưa điều chỉnh, điều này kích hoạt động thái chốt lời. Tuy nhiên, nếu như độ phủ vắc xin đạt được một tỷ lệ nhất định, giới đầu tư sẽ sớm kỳ vọng vào việc thị trường sẽ hồi phục trở lại khi kinh tế mở cửa.

Nhóm cổ phiếu kỳ vọng lớn nhất hiện nay trên thị trường là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách đầu tư công của chính phủ. Kinh nghiệm của các quốc gia châu Âu, Trung Quốc và khu vực, chính sách giúp nền kinh tế vượt qua cú sốc nhanh nhất là chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó thúc đẩy những ngành nghề còn lại quay trở lại đà hồi phục.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục