Nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc đến Việt Nam lần này đều là các CEO của các CTCK, công ty quản lý quỹ, với dòng vốn do họ quản lý khoảng 350 tỷ USD.
Nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tại hội thảo Thị trường vốn và triển vọng hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc do Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc phối hợp tổ chức, nhiều NĐT bày tỏ sự quan tâm tới các quỹ ETF Việt Nam, những trở ngại mà các quỹ này có thể gặp phải khi niêm yết trên TTCK Hàn Quốc, hay những cơ hội đầu tư vào DNNN sắp cổ phần hóa, thoái vốn.

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT HOSE cho biết, tính đến đầu tháng 12/2015, thị trường tài chính Việt Nam có 34 pháp nhân là các chi nhánh, văn phòng của DN Hàn Quốc đang hoạt động, cung cấp đa dạng các dịch vụ, tạo sự sôi động và nâng cao giá trị gia tăng cho thị trường.

Trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp để thu hút NĐT nước ngoài như nới room, thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, đưa ra các sản phẩm mới, nỗ lực nâng hạng thị trường… qua đó tạo tính hấp dẫn và tiềm năng dài hạn cho TTCK Việt Nam, qua đó mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các NĐT này.

"Không thể nói trước quỹ hưu trí sẽ huy động được bao nhiêu, nhưng nhìn con số huy động vốn mới của bảo hiểm nhân thọ cả năm 2015 là 1,5 tỷ USD so với vốn của NĐT nước ngoài vào TTCK chỉ 250 triệu USD, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào sự hấp dẫn của quỹ hưu trí" - ông Dominic Scriven.

Ông Sinh kỳ vọng, hội thảo sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin, giới thiệu các lĩnh vực tiềm năng với các góc nhìn khác nhau cho các NĐT Hàn Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc chia sẻ, hàng năm, Hiệp hội thường xuyên tổ chức các chuyến thăm cơ quan tài chính tại các nước nhằm tìm hiểu về nhu cầu đầu tư. Năm nay, đoàn tới Việt Nam đều là các CEO của các CTCK, công ty quản lý quỹ, với dòng vốn do họ quản lý khoảng 350 tỷ USD.

Lý do Hiệp hội chọn Việt Nam là điểm đến để tìm hiểu cơ hội đầu tư là vì Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm của các NĐT quốc tế, nhất là khi Hiệp định TPP được ký kết và Việt Nam cũng là thành viên của Cộng đồng kinh tế Asean.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nên đây chính là nền tảng để kinh tế Việt Nam phát triển và trở thành điểm đến hấp dẫn.

Các NĐT Hàn Quốc tại hội thảo thể hiện sự quan tâm khá chi tiết, thực tế tới TTCK Việt Nam như cơ cấu NĐT, số lượng DN niêm yết, số lượng công ty quản lý quỹ… đến các vấn đề thành lập quỹ hưu trí, niêm yết quỹ ETF Việt Nam trên TTCK Hàn Quốc và các cơ hội đầu tư vào DNNN sắp cổ phần hóa.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital cho biết, chưa có thống kê cụ thể về con số, nhưng NĐT tổ chức chiếm tỷ lệ khá nhỏ trên TTCK Việt Nam. Đối với công ty quản lý quỹ, có khoảng 30 công ty, nhưng còn trẻ và chưa huy động được vốn nhiều, sản phẩm chính trước đây là quỹ đóng, giờ chủ yếu là quỹ mở. Hiện tại, cả thị trường đang rất kỳ vọng vào sự ra đời của quỹ hưu trí.

“Không thể nói trước quỹ hưu trí sẽ huy động được bao nhiêu, nhưng nhìn con số huy động vốn mới của bảo hiểm nhân thọ cả năm 2015 là 1,5 tỷ USD so với vốn của NĐT nước ngoài vào TTCK chỉ 250 triệu USD, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào sự hấp dẫn của quỹ hưu trí”, ông Dominic cho biết.

Chia sẻ về cơ hội từ cổ phần hóa DNNN, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc CTCP Truyền thông tài chính StoxPlus cho rằng, có 3 cơ hội lớn cho các NĐT nước ngoài.

Thứ nhất, Việt Nam hiện có khoảng 1.000 DNNN, đã giảm mạnh trong 20 năm qua và Chính phủ tiếp tục có chủ trương giảm sự tham gia của nhà nước tại các DN này, đây là cơ hội cho các NĐT nước ngoài.

Thứ hai, nhà nước hiện vẫn sở hữu khoảng 34% trong tổng số gần 700 DN niêm yết, tương đương giá trị 20 tỷ USD, trong đó bao gồm các DN lớn như VNM, FPT... TTCK đã rất sôi động trước thông tin thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đặc biệt là việc thoái vốn tại các DN lớn này.

Thứ ba, các tập đoàn, tổng công ty có lộ trình tái cấu trúc rất rõ ràng, trong đó có những ngành, lĩnh vực phù hợp và nhận được sự quan tâm của NĐT Hàn Quốc. 

Một số NĐT Hàn Quốc đặt câu hỏi về quỹ ETF nội địa có kế hoạch niêm yết, giao dịch tại TTCK nước ngoài, gặp phải trở ngại nào hay không?

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, trong nửa cuối năm 2015, thanh khoản của ETF nội địa được cải thiện đáng kể và là động lực để có thêm nhiều quỹ ETF thành lập và niêm yết trên HOSE. Vừa qua, HOSE cũng đã ký kết với MSCI để có bộ chỉ số ngành theo chuẩn quốc tế và hi vọng sẽ có nhiều NĐT, trong đó có các NĐT Hàn Quốc sử dụng chỉ số này để thành lập các quỹ ETF.

Liên quan vấn đề niêm yết quỹ ETF trên TTCK Hàn Quốc, ông Dominic Scriven cho biết, về mặt chủ quan thì có quan tâm mở rộng ETF bằng cách kết nối với các NĐT ở các nước khác. Tuy nhiên, việc niêm yết trên sở GDCK nước ngoài thì chưa bởi liên quan đến vấn đề kỹ thuật, nhưng chúng tôi có nghiên cứu các công cụ cho phép NĐT nước ngoài có thể đầu tư vào quỹ ETF tại Việt Nam.

Còn theo ông Trần Đắc Sinh, trong chương trình hợp tác giữa HOSE và Sở GDCK Hàn Quốc trong năm  2016, sẽ có một hợp tác về trao đổi sản phẩm để niêm yết trên hai thị trường với nhau. Trong đó, HOSE có ưu tiên nghiên cứu ETF Việt Nam và ETF Hàn Quốc để có thể tiến hành niêm yết chéo. Hai Sở đã bàn và đi đến cam kết trong năm nay sẽ thực hiện dần việc liên kết hai thị trường.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục