Cụ thể, trong vòng 1 tuần trở lại đây, diễn biến chỉ số chính như VN-Index và VN30 đều có xu hướng biến động trong biên độ hẹp và giao dịch giằng co.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/9/2020, chỉ số VN-Index tăng 5,6 điểm lên 894,57 điểm, trong đó biên độ biến động trong phiên là 3,42 điểm.
Giới đầu tư đang thận trọng với diễn biến khó lường của các quỹ trong đợt cơ cấu danh mục quý III/2020 diễn ra vào thứ Sáu (18/9) tới đây. Chính vì vậy, chỉ số giao dịch đã biến động trong biên độ hẹp kéo dài trong 5 phiên gần đây.
Biểu đồ chỉ số VN-Index với biên độ biến động thu hẹp
Hai quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE ETF) và VecEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) sẽ cơ cấu danh mục trong tuần này, tuy nhiên tập trung vào phiên ATC ngày 18/9.
Bảng ước tính mua bán của hai quỹ ETF trong đợt cơ cấu quý III/2020 theo SSI Research
Trong đó, theo ước tính của SSI Research, hai quỹ ETF sẽ mua ròng mạnh nhất lần lượt các cổ phiếu GEX (mua ròng gần 2,6 triệu cổ phiếu), VIC (mua ròng gần 1,1 triệu cổ phiếu), VCB (mua ròng hơn 0,3 triệu cổ phiếu)…
Ở chiều ngược lại, những mã sẽ bị bán mạnh như POW (bán ra 2,2 triệu cổ phiếu), SSI (bán ra 1,1 triệu cổ phiếu), TCH (bán ra 0,9 triệu cổ phiếu), SBT (bán ra 0,6 triệu cổ phiếu).
Thông thường trong những năm trước đây, giới đầu tư sẽ thận trọng với giai đoạn trước khi cơ cấu danh mục của quỹ ETF, tuy nhiên có thể thực hiện chiến lược mua ngược lại với giao dịch của ETF.
Cụ thể, nhà đầu tư trong nước sẽ mua vào những cổ phiếu bị ETF bán ra mạnh và ngược lại bán ra những cổ phiếu mà ETF mua vào, bởi vì trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có nhiều thay đổi nhưng do cung cầu đột biến đã đẩy giá cổ phiếu phản ứng thái quá trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược mua bán ngược ETF tỏ ra không hiệu quả trong những lần cơ cấu gần đây khi mà quá nhiều nhà đầu tư đều hành động như vậy.
Bên cạnh đó, việc quy mô thị trường ngày một tăng lên cũng đã làm cho tác động của các quỹ ETF ngày một suy giảm đối với thị trường. Chính vì vậy, trong những đợt cơ cấu gần đây, nhà đầu tư thường thận trọng chờ diễn biến của kỳ cơ cấu để xem tiếp xu hướng.
Nhìn lại diễn biến các cổ phiếu mua bán mạnh, dù bị bán ra mạnh nhất trong kỳ cơ cấu tới nhưng trong những phiên gần đây, POW có xu hướng đi ngang, trong khi đó, cổ phiếu sẽ được mua vào mạnh nhất là GEX lại có xu hướng tăng tích cực.
Câu chuyện cổ phiếu GEX được giới đầu tư quan tâm khi doanh nghiệp đang thực hiện việc chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã chứng khoán VGC).
Mới đây, GEX nâng giá chào mua lên 21.500 đồng/cổ phiếu, tăng 21,5% so với giá chào mua tước đây. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của GEX tại VGC sẽ tăng từ 24,96% lên 46,15% và từng bước cụ thể hoá tham vọng tiến sâu vào lĩnh vực khu công nghiệp với quỹ đất khu công nghiệp của VGC.