Nhà đầu tư Facebook 'ăn mừng' dù công ty bị phạt 5 tỷ USD

Chỉ đóng tiền mà không có chế tài quản lý cụ thể khiến các nhà đầu tư Facebook vui mừng khi công ty bị phạt 5 tỷ USD.
CEO Facebook Mark Zuckerberg trong lần giải trình trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018.Ảnh: AFP CEO Facebook Mark Zuckerberg trong lần giải trình trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018.Ảnh: AFP

Sau hơn một năm điều tra, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) quyết định đưa ra án phạt kỷ lục đến 5 tỷ USD dành cho Facebook vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng, bắt nguồn từ vụ bê bối Cambridge Analytica. Nếu được bộ phận dân sự của Bộ Tư pháp Mỹ chấp thuận, đây sẽ là hình phạt thực sự đầu tiên đối với Facebook tại Mỹ.

Tuy nhiên, sau kết luận được công bố chiều 12/7, Phố Wall đã hào hứng "ăn mừng". Chốt phiên hôm qua, giá cổ phiếu Facebook tăng nhẹ 1,81%, đạt gần 205 USD mỗi cổ phiếu. Các nhà đầu tư đang trong trạng thái lạc quan nhất về tương lai của mạng xã hội này trong một năm gần đây. Họ còn kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ đạt 210 USD nhưng cũng rất hài lòng về kết quả đạt được.

Thực tế, số tiền 5 tỷ USD không phải vấn đề gì lo lắng. Hồi đầu năm, Facebook đã báo trước rằng họ dự định nộp phạt khoảng 5 tỷ USD vì vụ bê bối rò rỉ dữ liệu và đã dành ra sẵn 3 tỷ USD.

5 tỷ USD thực tế là một con số khổng lồ mà FTC từng ra án phạt, hơn hẳn số tiền lớn nhất mà cơ quan này từng phạt một công ty ở Thung lũng Silicon là Google, chỉ với 23 triệu USD. Tuy nhiên, với Facebook thì việc đóng số tiền này không mấy nặng nhọc.

"Họ có thể đưa ra một khoản tiền phạt rất lớn nhưng nó chỉ như một vé gửi xe", Matt Stoller, nghiên cứu chống độc quyền tại Viện Thị trường mở, bình luận.

Năm ngoái, Facebook đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm nay là 22,1 tỷ USD. Vì vậy, ngay cả sau khi đóng phạt, các nhà phân tích ước tính công ty vẫn lãi hơn 19 tỷ USD trong năm 2019. Và đến năm 2021, nhà phân tích Mark Mahaney của RBC ước tính, Facebook sẽ lãi hơn 35 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng nguyên nhân lớn nhất cho sự lạc quan, từ quan điểm của Phố Wall, là chính phủ liên bang dường như không hướng tới bất kỳ loại quy định nào có thể thay đổi cách thức hoạt động kinh doanh của Facebook, cụ thể là lấy thông tin người dùng để phục vụ quảng cáo.

"Bên cạnh việc phạt tiền, Facebook đã đồng ý giám sát toàn diện hơn về cách xử lý dữ liệu người dùng. Nhưng không có điều kiện nào trong thỏa thuận giải quyết sẽ hạn chế khả năng thu thập và chia sẻ dữ liệu của Facebook với các bên thứ ba", tờ NewYork Times nhận định.

Nhà đầu tư nhờ thế ăn mừng và FTC thì hứng chỉ trích từ đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ Ron Wyden nói rằng mặc dù đảng Cộng hòa hứa hẹn chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc quản lý các công ty công nghệ, hình phạt 5 tỷ USD dành cho Facebook là thất bại thảm hại.

"Không có mức phạt tiền nào có thể thay thế sự cần thiết phải chịu trách nhiệm của cá nhân Mark Zuckerberg đối với sự trắng trợn, vi phạm nhiều lần về quyền riêng tư của người Mỹ. Án phạt chẳng khác nào vết muỗi đốt cho công ty có quy mô như Facebook. Và tôi lo điều đó không khiến Facebook thấy trở ngại trong việc lạm dụng dữ liệu của người Mỹ", ông tuyên bố.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Mark Warner cũng cho rằng một hình phạt tài chính gần như không đủ. Với vi phạm của Facebook thì theo ông cần phải có cải cách lại quy định.

"Với việc FTC không thể hoặc không sẵn sàng đưa ra các biện pháp bảo vệ hợp lý để đảm bảo quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng, đã đến lúc Quốc hội phải hành động", Mark Warner bình luận.

David Cicilline - Chủ tịch Tiểu ban Tư pháp về chống độc quyền của Hạ viện Mỹ cùng dành những nhận xét gay gắt về quyết định của FTC. "FTC vừa tặng cho Facebook một món quà Giáng sinh sớm 5 tháng", ông bình luận.

"Thật đáng thất vọng khi một công ty cực kỳ hùng mạnh, tham gia vào hành vi sai trái nghiêm trọng như vậy lại bị khiển trách nhẹ nhàng. Khoản tiền này chỉ là một phần doanh thu hàng năm của Facebook. Nó không đủ để Facebook nghĩ lại về trách nhiệm bảo vệ dữ liệu người dùng", ông David Cicilline nói thêm.

Không chỉ có vấn đề trách nhiệm trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu người dùng, Facebook nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối mặt với sự giám sát bên ngoài nước Mỹ, với nhiều cáo buộc về lách thuế hay ý tưởng phát hành tiền điện tử.

Thậm chí, ngay tại Mỹ, công ty vẫn đang nhận chỉ trích từ các chính trị gia. Mới hôm thứ Năm, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã lên tiếng phản đối kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số Libra của Facebook.


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục