Nhà đầu tư đang “đánh bạc” với cổ phiếu sắp rời sàn

Một số doanh nghiệp niêm yết như SBC, MPC... lên kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư.

Đằng sau quyết định huỷ niêm yết tự nguyện là những thay đổi về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Đằng sau quyết định huỷ niêm yết tự nguyện là những thay đổi về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Vung tiền gom cổ phiếu

Doanh nghiệp gần đây nhất công bố kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện là CTCP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (mã SBC). Cổ phiếu của công ty này mới bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 18/6 do lợi nhuận sau thuế năm 2013 âm gần 50 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 9/6, Đại hội đồng cổ đông SBC đã thống nhất thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện trên sàn HOSE. Sau một thời gian giao dịch lình xình quanh mốc 9.000 đồng, cổ phiếu SBC bất ngờ tăng trần 6 phiên liên tiếp sau thông tin Chủ tịch HĐQT SBC chào mua toàn bộ 5,1 triệu cổ phiếu của 504 cổ đông nhỏ lẻ, tương đương 64,22% vốn điều lệ.

Cụ thể, từ ngày 27/8 đến 5/9, SBC đã tăng trần liên tiếp 6 phiên, với lượng dư mua tăng đột biến, trung bình đạt hơn 200.000 cổ phiếu mỗi phiên, tăng gấp 5 lần so với bình quân 6 phiên trước đó. 

Một cổ phiếu khác thu hút sự quan tâm của thị trường từ đầu năm 2014 là MPC của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. MPC đã chào mua toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông nắm giữ dưới 5%, với giá cao nhất là 40.000 đồng/cổ phiếu để dọn đường cho kế hoạch hủy niêm yết.

Tuy nhiên, cổ phiếu MPC đã bất ngờ tăng mạnh sau khi công bố thông tin chia cổ tức 6 tháng đầu năm 2014, với tỷ lệ 50% (5.000 đồng/cổ phiếu). Thông tin này đã ngay lập tức đẩy giá cổ phiếu MPC từ 38.000 lên 60.500 đồng/cổ phiếu sau 7 phiên tăng trần liên tiếp.

Ngày 12/8, MPC tiếp tục công bố kế hoạch nâng giá mua cao nhất lên 100.000 đồng/cổ phiếu, sau khi có thông tin một nhóm cổ đông nhỏ sở hữu trên 14,2 triệu cổ phiếu MPC đã gửi đến HĐQT Công ty cam kết nắm giữ cổ phiếu. Động thái này đã giúp MPC đón tiếp đợt sóng tăng trần lần thứ hai. Hiện tại, cổ phiếu MPC đã tăng trên 100% so với thời điểm cuối tháng 7 và giao dịch quanh mức 80.000 đồng/cổ phần.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên viên cao cấp Phòng Phân tích, Công ty chứng khoán BSC cho biết, hoạt động mua gom các cổ phiếu của các công đông nhỏ lẻ theo hình thức mua cổ phiếu quỹ của MPC và chào mua công khai của SBC là thông lệ mà Công ty phải thực hiện trong quá trình tiến hành thủ tục hủy niêm yết.

Rủi ro cho người nắm giữ

Cổ phiếu MPC và SBC đều thuộc dạng hủy niêm yết tự nguyện và cũng là cổ phiếu đầu ngành hoặc có lợi thế kinh doanh, nên vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngay cả khi chuẩn bị hủy niêm yết.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, dù không phải công ty đầu ngành, nhưng SBC vẫn có lợi thế kinh doanh khá đặc thù, do đây là đơn vị thành viên và cũng là đơn vị vận chuyển chủ yếu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Lợi nhuận của Công ty không ổn định và ghi nhận lỗ trong năm 2011 và 2013, nhưng doanh thu liên tiếp tăng trưởng từ 2010 đến nay. “Việc Chủ tịch SBC đứng ra chào mua theo hình thức công khai đã tạo cớ cho thị trường đẩy giá cổ phiếu này”, ông Khoa nhận định.

Đối với MPC, việc doanh nghiệp này hủy niêm yết dựa vào lý do tái cấu trúc và giữ bí mật kinh doanh, khiến nhiều nhà đầu tư khá tiếc nuối.

Hiện nay, MPC là cổ phiếu đầu ngành trong lĩnh vực nuôi và xuất khẩu tôm. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của MPC đạt hơn 260 triệu USD. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, doanh thu của MPC đạt 6.244 tỷ đồng (tăng 69% so với cùng kỳ năm 2013); lợi nhuận đạt 367,62 tỷ đồng (tăng 14 lần so với cùng kỳ năm 2013).

Chưa kể, với thị giá 80.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, mức cổ tức 5.000 đồng/cổ phiếu mà MPC sẽ chốt quyền nhận vào ngày 17/9 tính ra vẫn cao hơn lãi suất gửi ngân hàng, càng làm quyết định của cổ đông MPC thêm khó khăn.

Tuy nhiên, việc đẩy giá lên cao và nắm giữ đến cùng các cổ phiếu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông Bùi Nguyên Khoa, vấn đề khó khăn nhất với cổ đông khi các cổ phiếu chính thức hủy giao dịch là việc chuyển nhượng cổ phiếu. Thay vì có thể giao dịch dễ dàng trên 2 sở giao dịch, nhà đầu tư chỉ có thể giao dịch ở sàn giao dịch các công ty đại chúng với thanh khoản thấp, thậm chí không có giao dịch trong thời gian dài.

“Ngoài ra, cổ đông còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ cũng lỏng lẻo hơn, dẫn đến cổ đông dễ bị ép giá, chèn giá khi bán cổ phiếu”, ông Khoa cho biết thêm.

Kỳ Thành
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục