Nhà đầu tư dần mất niềm tin với cổ phiếu HSBC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc giá cổ phiếu HSBC Holdings Plc lao dốc đang thử thách lòng tin và sự kiên nhẫn của cổ đông nhà băng này và ngay cả những nhà đầu tư lâu năm nhất cũng bắt đầu chán nản.
Nhà đầu tư dần mất niềm tin với cổ phiếu HSBC

Choi Chen Po-sum, nguyên Phó chủ tịch Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, người đã nắm giữ cổ phiếu HSBC trong hơn 40 năm qua nhận định, đây có thể là khoản đầu tư sai lầm.

Simon Yuen, nhà quản lý quỹ Hồng Kông chia sẻ, giá cổ phiếu HSBC đã giảm xuống mức thấp nhất 25 năm qua và sẽ còn xuống thêm nữa.

Trong khi đó, Ping An Insurance Group Co, cổ đông lớn nhất của HSBC, cũng không lấy làm tự tin với khoản đầu tư vào nhà băng này và cho biết, đây chỉ là một khoản đầu tư tài chính dài hạn. Ping An đã nắm giữ cổ phiếu HSBC kể từ cuối năm 2017 và chứng kiến giá trị cổ phiếu đang nắm giữ giảm ít nhất 8,6 tỷ USD trong 3 năm qua, theo số liệu của Bloomberg.

Những chia sẻ này phần nào thể hiện sự “mệt mỏi” của nhà đầu tư đối với HSBC – ngân hàng toàn cầu đang chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh hơn bất kỳ tổ chức tài chính lớn nào trên thế giới trong 6 tháng qua.

Cụ thể, giá cổ phiếu HSBC tại Hồng Kông đã giảm hơn 9% trong tuần này, khiến mức giảm kể từ đầu năm tới nay là 54%, trở thành cổ phiếu có màn biểu diễn tệ nhất trong chỉ số Hang Seng.

Tại sàn London, cổ phiếu HSBC giảm giá khoảng 51%, theo đó, 83 tỷ USD giá trị thị trường bốc hơi, khiến HSBC hiện có quy mô nhỏ hơn Commonwealth Bank of Australia và kém xa so với các đối thủ như Citigroup Inc.

“Đà giảm sâu của giá cổ phiếu HSBC đồng nghĩa với việc ngay cả các nhà đầu tư dài hạn cũng bắt đầu mất niềm tin. Đây là một tín hiệu rất xấu”, Benny Lee, giám đốc Plotio Financial Group Ltd cho biết.

HSBC từ chối bình luận về diễn biến của giá cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu HSBC (màu đen) và chỉ số MSCI các nhà băng toàn cầu (màu đỏ)

Diễn biến giá cổ phiếu HSBC (màu đen) và chỉ số MSCI các nhà băng toàn cầu (màu đỏ)

Những rắc rối không ngừng tìm tới HSBC trong những năm qua và ngày càng dồn dập trong thời gian gần đây. Đầu năm 2020, giới chức Anh buộc HSBC phải ngừng việc chia cổ tức, gây náo động trong giới đầu tư tại quốc gia này. Tiếp theo đó, HSBC thu hút sự chú ý của chính quyền Trung Quốc khi tham gia vào cuộc điều tra của Mỹ đối với Huawei Technologies Co.

Mối lo ngại cho tương lai của HSBC tiếp tục gia tăng khi tờ Global Times – Thời báo Hoàn cầu (tờ báo được quản lý bởi Nhân dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đưa tin HSBC có thể nằm trong danh sách các tổ chức kém tín cậy. Hình phạt dành cho doanh nghiệp thuộc danh sách này có thể bao gồm các biện pháp hạn chế kinh doanh, đầu tư và visa. HSBC từ chối bình luận về nội dung thông tin này.

“Nếu xuất hiện trong danh sách, ngay cả khi không chịu các hình phạt khắt khe, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của HSBC cũng chịu ảnh hưởng nặng khi khách hàng giảm giao dịch. Khách hàng tại Hồng Kông cũng sẽ tránh giao dịch không cần thiết với HSBC. Trong trường hợp xấu nhất, HSBC có thể buộc phải ngừng hoạt động đầu tư tại Trung Quốc”, Yafei Tian, chiến lược gia tại Citigroup đánh giá.

Trong tuần trước, CEO HSBC Noel Quinn đã lên tiếng cảnh báo về quãng thời gian khó khăn phía trước, khi lợi nhuận nửa đầu năm của nhà băng giảm sút và các khoản nợ không thu hồi được có thể lên tới 13 tỷ USD trong năm nay. Giải pháp được đưa ra là thúc đẩy hoạt động toàn cầu, tập trung vào thị trường châu Á, khi thị trường châu Âu không mang lại hiệu quả tích cực.

Thông tin này chưa đủ sức thuyết phục với các nhà đầu tư.

Tại thị trường phái sinh Hồng Kông, sản phẩm phái sinh bán chạy hàng đầu là hợp đồng “cược” giá cổ phiếu HSBC sẽ giảm hơn 30% tính tới cuối tháng 12 so với thời điểm hiện tại.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục