“Năm 2015, sóng chứng khoán sẽ nhẹ nhàng, nhưng tần suất dày hơn”
Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Rồng Việt (VDSC)
Năm 2015, kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, nhưng không thực sự thuận lợi và mạnh mẽ, bởi quá trình tái cấu trúc ở một số ngành và sự đào thải doanh nghiệp vẫn đang diễn ra. Hơn nữa, 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nga, Hàn Quốc, châu Âu sắp được ký kết, khi đó, Việt Nam sẽ tiến sát hơn với sức nóng cạnh tranh toàn cầu. Do đó, để bảo đảm hàng hóa đủ sức cạnh tranh là bài toán không đơn giản.
TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế, sẽ có những phản ứng trước các yếu tố vĩ mô và chính sách điều hành trong năm 2015. Thông tư 36/2014/TT-NHNN hiện đang kéo dài sự ảnh hưởng trên thị trường trước mỗi hành động của các đối tượng bị chi phối, tuy vậy, thị trường sẽ dần thích nghi và nhận ra điểm dừng phù hợp.
Thị hiếu đầu tư thích “sự dịch chuyển” và “câu chuyện” (catalyst) đầu tư xuất hiện mạnh mẽ trong năm 2014, dự kiến sẽ vẫn phổ biến trong năm 2015. Bên cạnh đó, có thêm một lực lượng mới là các công ty đầu tư xuất hiện trên thị trường, hoạt động của các công ty này nhiều khả năng sẽ mở rộng trong năm nay. NĐT sẽ có thêm lựa chọn là đầu tư gián tiếp qua công ty đầu tư tài chính, quỹ mở. Điểm mấu chốt là chọn thời điểm đầu tư phù hợp, kế đến là thích nghi với chi phí sử dụng vốn thấp, nghĩa là chấp nhận mức sinh lời vừa phải để giảm thiểu rủi ro. Cơ hội hay các con “sóng” trong năm 2015 sẽ xuất hiện nhẹ nhàng hơn, nhưng với tần suất dày hơn.
“Các chỉ số có xu hướng tăng để kiểm nghiệm vùng kháng cự cao hơn”
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, CTCK MB
Thị trường đã có 2 phiên giao dịch trong tuần đầu năm mới 2015. Về mặt thông tin thì thị trường phiên đầu tuần phần nào bị chi phối bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục là đối tượng bị bán mạnh và tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường, bất chấp thông tin tích cực là chỉ số PMI tháng 12/2014 đạt 52,7 điểm, mức cao nhất trong 8 tháng gần nhất. Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong phiên sau đó đã khởi sắc trở lại, mặc dù giá dầu thế giới và giá cổ phiếu dầu khí vẫn ghi nhận trạng thái suy giảm.
Một điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt sự hồi phục, dòng tiền tăng mạnh tại nhóm này khiến đa số cổ phiếu ngân hàng tăng giá như VCB, MBB, STB, BID…
Hiện tượng tăng giá từ nhóm ngân hàng có sự lan tỏa sang nhóm VN30 và tạo tâm lý tích cực trên diện rộng, tạo điều kiện cho nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá. Diễn biến này đã giúp các chỉ số có phiên tăng điểm thuyết phục.
Các chỉ số chứng khoán đã vượt vùng kháng cự ngắn hạn, với VN-Index là 545 điểm và với HNX-Index là 83 điểm. Thanh khoản chung được củng cố cho thấy, dòng tiền tăng tốt trở lại. Chúng tôi đánh giá tích cực với diễn biến này và dự báo các chỉ số có khả năng tiếp tục xu hướng tăng để kiểm nghiệm các vùng kháng cự cao hơn trong những phiên tới, với VN-Index là vùng 565 điểm và với HNX-Index là vùng 86,5 điểm (tương ứng Fibonacci retracement 38,2%).
“NĐT có thể tận dụng nhịp rung lắc để mở vị thế mua hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Phiên giao dịch đầu năm, các mã dầu khí như GAS , PVD, PVS vẫn chịu áp lực do giá dầu giảm. Sang phiên thứ hai, thị trường phục hồi nhờ một số mã cổ phiếu ngân hàng như VCB, MBB, ACB... Về quan điểm kỹ thuật, thị trường có thể sẽ còn nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ trong những phiên kế tiếp, đặc biệt chỉ báo xung lượng ngắn hạn trong 5 phiên tiến gần vùng quá mua, cho nên áp lực chốt lời sẽ gia tăng, nhưng áp lực bán này là không quá mạnh.
Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng của VCSC vẫn duy trì mức tăng trong xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và mức cắt lỗ ở mức 522,37 điểm của VN-Index và 78,61 điểm của HNX-Index. Do đó, NĐT có thể tận dụng nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ để mở vị thế mua mới hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Thị trường có một số yếu tố hỗ trợ như khối ngoại mua ròng phiên thứ 9 liên tiếp với 0,9 triệu USD trên cả hai sàn. ITA, KBC và SHB là các mã được khối này mua mạnh nhất, bên cạnh các mã ngân hàng. Thứ hai, chỉ số PMI đạt 52,7 điểm trong tháng 12, cao nhất 8 tháng qua, phần lớn nhờ sản lượng và số đơn hàng tăng liên tục. Ngoài ra, chi phí đầu vào giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012 nhờ giá nhiên liệu và chi phí vận chuyển giảm, trong khi giá sản phẩm đầu ra cũng giảm do cạnh tranh gay gắt hơn và nhu cầu tăng.
Một thông tin khác là Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch xếp hạng B dành cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) với triển vọng ổn định, trong khi Vietinbank, Agribank and Vietcombank được xếp hạng tại mức B+.