Nhà đầu tư chốt lời ồ ạt, chứng khoán chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực điều chỉnh đã diễn ra khi thị trường không tìm được cái tên hay nhóm ngành nào đủ sức kéo VN-Index vượt qua vùng kháng cự ngắn hạn quanh 1.244-1.250 điểm trong hai phiên đầu tuần. Đặc biệt, hai nhóm cổ phiếu bị bán khá mạnh hôm nay là bất động sản và nông nghiệp khi đã có những khoảng thời gian bứt phá gần đây.
Nhà đầu tư chốt lời ồ ạt, chứng khoán chìm trong sắc đỏ

Sau phiên sáng có phần thận trọng và thăm dò, sức ép gia tăng trên diện rộng ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều khi nhà đầu tư chốt lời nhiều nhóm ngành khiến bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ. Chỉ số VN-Index đuối sức và lùi dần về các ngưỡng điểm thấp hơn và được chặn lại khi chạm gần 1.220 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 118 mã tăng và 371 mã giảm, VN-Index giảm 13,38 (-1,08%), xuống 1.220,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.010 triệu đơn vị, giá trị 20.231,8 tỷ đồng, giảm khoảng 7% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,5 triệu đơn vị, giá trị 675,8 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu trụ cột chỉ còn VIC khởi sắc và là cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất cho VN-Index khi +3,2% lên 67.900 đồng, khớp gần 7,9 triệu đơn vị. Hai mã khác còn tăng điểm là cặp đôi ngành dầu khí GAS và PLX khi nhích nhẹ 1% và 0,2%.

Phần còn lại của rổ VN30 ngoài SSB, VHM và VNM đứng tham chiếu thì đều chìm trong sắc đỏ, với MSN là gánh nặng lớn nhất khi để mất 5,7% xuống 83.000 đồng, GVR -3,2% xuống 21.450 đồng, BCM -2,8% xuống 74.000 đồng, VRE -2,8% xuống 30.050 đồng.

Theo sau là nhóm ngân hàng với BID là cái tên giảm mạnh nhất khi -3,5% xuống 46.500 đồng, CTG -2,6% xuống 31.650 đồng, STB -2,1% xuống 30.500 đồng, các mã MBB, ACB, VIB, TCB, SHB, VCB, TPB giảm từ 1,3% đến 1,9%.

Các cổ phiếu HPG, SSI, POW, MWG, FPT, VJC cũng mất điểm, nhưng chỉ giảm nhẹ, với SSI khớp lệnh cao nhất nhóm khi có hơn 23,3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số cổ phiếu riêng lẻ đi ngược xu hướng và nhận lực cầu mạnh, tập trung khá nhiều ở các cổ phiếu xây dựng, bất động sản như CIG, SJS, VPH, TDG, TDH, QCG, khớp từ 0,82 triệu đến 2,7 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản còn ghi nhận một số cổ phiếu tăng tốt khác như HPX +3,5% lên 5.960 đồng, khớp 13,1 triệu đơn vị, CTD +3,3% lên 68.200 đồng, SCR +3,3% lên 9.300 đồng, khớp 17,8 triệu đơn vị…

Đáng kể nhất là NVL khi đứng vững trước sức ép và dù thu hẹp đà tăng, nhưng đóng cửa vẫn tăng 3,5% lên 20.600 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường và bỏ xa phần còn lại khi có hơn 61,7 triệu đơn vị.

Trái lại, áp lực chốt lời bán xả hàng đến với APG, GIL và AGM, khi cả ba mã này đều giảm sàn, trong đó, AGM đã là phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp sau chuỗi 12 phiên liên tiếp tăng trần trước đó, khớp lệnh phiên hôm nay chỉ hơn 0,1 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 2,44 triệu đơn vị.

Những mã giảm sâu đáng kể khác phần lớn tập trung ở các ngành bất động sản, xây dựng như NHA -4,5% xuống 22.400 đồng, TDP -4,4% xuống 31.750 đồng, KSB -4,1% xuống 30.500 đồng, OCG -3,1% xuống 9.400 đồng, PHC -4,1% xuống 10.600 đồng, TCH -4% xuống 11.900 đồng. Các cổ phiếu GEX, TEG, FIT, ITA, DAH, DXS, HHS giảm 3-4%, trong đó, GEX khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với 25,4 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu nông nghiệp, dịch vụ, thủy sản cũng bị bán mạnh với DBC -5,3% xuống 25.850 đồng, ABS -4,1% xuống 8.400 đồng, BAF -4% xuống 22.650 đồng, CMX -3,9% xuống 11.100 đồng, HNG -3,7% xuống 4.400 đồng, HAG -3,6% xuống 9.210 đồng, VHC -3,5% xuống 75.300 đồng, TSC -3% xuống 6.200 đồng...

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán chỉ còn VND duy trì sắc xanh nhạt +0,5% lên 20.100 đồng, còn FTS, VCI, HCM, BSI, ORS, CTS giảm 2,2% đến 3%, trong khi TVC, VDS giảm hơn 3,5% và APG giảm sàn nêu trên.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm cũng đã khiến HNX-Index rơi dần về dưới tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 64 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,8%), xuống 243,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 131,5 triệu đơn vị, giá trị 2.049,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,2 triệu đơn vị, giá trị 294,7 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu tăng tốt nhất là PCH và VC7 khi đều tăng trần lên 7.00 đồng và 31.300 đồng, khớp lần lượt 0,89 triệu và 0,77 triệu đơn vị.

Tăng khác còn SRA +6% lên 5.300 đồng, PVG +5,8% lên 10.900 đồng, còn CEO, IDC, PVC, VIG, API nhích nhẹ.

Phần còn lại trong số các mã thanh khoản cao đều giảm, với SHS, PVS, DDG mất 2-3%, AMV, LIG, MBG, TAR, TNG, DL1 giảm từ hơn 3% đến 5%. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với 19,22 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ hai là PVS khi mã này khớp 7,9 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, sức ép cũng gia tăng và đẩy UpCoM-Index về các mức thấp hơn trong phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,7 điểm (-0,75%), xuống 93,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 85,66 triệu đơn vị, giá trị 1.109 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5,16 triệu đơn vị, giá trị 52,9 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu PXI và PXL phiên này giữ được mức tăng mạnh, với PXI +9,8% lên 4.500 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị, PXL +8,7% lên 12.500 đồng, khớp 1,48 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR thu hút giao dịch nhất với hơn 13,4 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu nhích 1,5% lên 20.800 đồng.

Ở phía ngược lại, cổ phiếu VSF vẫn nằm sàn -14,9% xuống 33.200 đồng, khớp gần 26.000 đơn vị và vẫn còn dư bán giá sàn hơn 984.000 đơn vị.

Cổ phiếu KVC cũng bị bán mạnh và có thời điểm giảm sàn, trước khi đóng cửa -11,4% xuống 3.100 đồng, khớp gần 2,6 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giảm, với VN30F2308 đáo hạn vào tuần sau giảm 14 điểm, tương đương -1,13% xuống 1.226 điểm, khớp lệnh hơn 233.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.440 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế rõ rệt, với CSTB2310 thanh khoản cao nhất với 3,48 triệu đơn vị, giảm 2,5% xuống 1.180 đồng/cq. Theo sau là CMBB2211 với 2,97 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 14,3% xuống 60 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục