Nhà đầu tư chiến lược, không chỉ cần có tiền

(ĐTCK) Tại bản dự thảo nghị định mới nhất thay thế Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần mà Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính về những điểm mới này.
Bộ Tài chính đề xuất, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm. Bộ Tài chính đề xuất, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm.

Có ý kiến cho rằng, cho phép nhà đầu tư không hoạt động trong những lĩnh vực liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp hậu cổ phần hóa trở thành nhà đầu tư chiến lược dễ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị “phá” về nhiều mặt: thương hiệu, sản phẩm, ngành nghề hoạt động chính... Trong lần sửa đổi này, Bộ Tài chính có đề xuất điều kiện để nhà đầu tư trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cùng ngành nghề kinh doanh chính với doanh nghiệp cổ phần hóa?

Trong đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính lên Chính phủ, trách nhiệm chọn cổ đông chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc về Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này để đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý không can thiệp.

Nhà đầu tư chiến lược, không chỉ cần có tiền ảnh 1

Ông Đặng Quyết Tiến 

Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chẳng hạn Hãng phim truyện Việt Nam, khi chọn cổ đông chiến lược, Ban chỉ đạo cổ phần hóa cần lưu ý nhà đầu tư chiến lược phải có cùng ngành nghề kinh doanh chính với hãng để hỗ trợ hãng phát triển lĩnh vực hoạt động chính hậu cổ phần hóa, thay vì chọn nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không liên quan đến điện ảnh, không có ý định hỗ trợ hãng phát triển điện ảnh hậu cổ phần hóa, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng, nên dẫn đến khiếu kiện phức tạp khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc làm rõ.

Do đó, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011, Bộ Tài chính đề xuất, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản trong việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm.

Để trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư còn phải đáp ứng các điều kiện nào khác, thưa ông?

Nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược còn phải đáp ứng các điều kiện: có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế; không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực... Nhà đầu tư vi phạm các cam kết này phải bồi thường cho doanh nghiệp.

Cùng với kẽ hở về định giá đất, nhiều ý kiến quan ngại cơ chế hiện tại là: bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng, đang tạo kẽ hở dẫn đến gây thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Bộ Tài chính đề xuất giải pháp nào để bịt lỗ hổng này?

Theo quy định hiện hành, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng, với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt. Thực tiễn áp dụng cho thấy, quy định này chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước.

Do đó, để khắc phục tình trạng trên, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ quy trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai. Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Về tiến độ cổ phần hóa 127 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020, theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm nay cả nước cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp. Dự báo sẽ hoàn thành cổ phần hóa 38/44 doanh nghiệp theo kế hoạch năm nay. Quá trình cổ phần hóa có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản, đất đai, phương thức bán vốn. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng.

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục