Nhà đầu tư cá nhân "chiếm sóng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa có tuần giao dịch khởi sắc khi VN-Index ghi nhận mức tăng 2%, giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 35%. Sự đồng thuận của giá và dòng tiền được xem là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư cá nhân "chiếm sóng"

Dù tăng khá tốt, nhưng diễn biến thị trường qua từng phiên rất khó lường, VN-Index có những thời điểm rung lắc mạnh, làm “hú vía” nhiều nhà đầu tư đang “ôm” cổ phiếu.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục chứng kiến sự phân kỳ rõ rệt. Thị trường Mỹ duy trì đà tăng, trong khi thị trường Trung Quốc ghi nhận diễn biến đi xuống với chỉ số HangSeng giảm 3% và chỉ số ShangHai giảm 2%.

Điểm tích cực là thị trường Việt Nam có mối tương quan (correlation) chặt chẽ hơn với thị trường Mỹ (correlation là 64%), còn sự tương quan với thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) khá yếu (correlation là 47%).

Nhìn chung, thước đo từ thị trường chứng khoán Mỹ vẫn quyết định nhiều hơn về xu hướng ở thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về xu thế thị trường, thống kê từ năm 2018 đến nay cho thấy, cứ mỗi lần VN-Index ghi nhận nhịp giảm khoảng 17 - 18% so với đỉnh thì sau đó thị trường có nhịp hồi phục khoảng 13 - 14%. Chiếu theo mức đáy của đợt giảm vừa rồi tại 1.020 điểm, khả năng nhịp hồi sẽ gặp cản mạnh nhất quanh 1.160 điểm. Nhưng sau đó, xác suất thị trường diễn biến giảm trở lại, thậm chí kiểm chứng đáy cũ.

Đây là một thống kê rất đáng quan tâm và cần phải theo dõi kỹ, vì về mặt cảm nhận thị trường thì một nhịp hồi phục sau cú giảm “lưng chừng” thường mang ý nghĩa là cái bẫy tăng giá (bull-trap). Còn nếu nhịp hồi phục xuất hiện sau nhịp điều chỉnh lành mạnh (correction), hoặc nhịp bán tháo hàng loạt để rũ bỏ (wash-out), thì nhịp hồi đó đáng tin cậy.

Tuần qua, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thu hút được nhiều sự chú ý, đặc biệt là phiên bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng - phiên bán ròng khớp lệnh lớn thứ 6 trong lịch sử. Nếu so sánh với tổng giá trị giao dịch, thì mức bán ròng này chỉ xếp thứ 65. Trong 10 lần tỷ lệ bán ròng/giá trị giao dịch cao nhất, có tới 7/10 lần VN-Index tăng điểm sau 3 tháng và mức lãi trung bình là hơn 10%. Theo đó, hoạt động giao dịch của khối ngoại thời điểm này không còn ảnh hưởng lớn tới thị trường như cách đây 5 - 7 năm. Ngoài ra, khối tự doanh công ty chứng khoán đang không thể hiện sự đồng thuận. Vì vậy, xu thế thị trường phụ thuộc vào động thái của nhà đầu tư cá nhân.

Về cơ bản, thị trường có diễn biến khó lường, nhưng xu thế ngắn hạn ủng hộ cho kịch bản VN-Index hồi phục để tiến đến vùng kháng cự 1.160 điểm. Tuy nhiên, để đi được xa hơn, chỉ số cần có thêm sự đồng thuận từ các nhóm nhà đầu tư khác. Nếu không, khả năng thị trường sẽ quay đầu giảm sau khi chạm ngưỡng kháng cự. Mốc hỗ trợ của VN-Index để phòng thủ rủi ro đảo chiều là 1.100 điểm.

Nguyễn Lê Nguyên Vĩ
Trưởng Phòng chiến lược thị trường, DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục