Nhà đầu tư BT “thở phào”

(ĐTCK) Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/8/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2019 thực sự đã cởi bỏ gánh nặng lớn đeo đẳng trên vai các nhà đầu tư BT và các địa phương có loại hình đầu tư này.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Chia sẻ với người viết, đại diện TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), một địa phương đang triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT nói rằng, đó thực sự là một lối thoát cho địa phương và cho doanh nghiệp.

Nói như vậy bởi theo quyết định của Bộ Tài chính tạm dừng trả quyền lợi đối ứng cho nhà đầu tư BT kể từ thời điểm 1/1/2018, các dự án theo hình thức này gần như bị "đóng băng" hơn 1 năm.

Là một trong những địa phương có khối lượng đầu tư theo hình thức BT lớn, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM từng cho biết, nếu không sớm có hướng dẫn cụ thể thì TP.HCM không thể hoàn thành kế hoạch huy động thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng vào phát triển hạ tầng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã ký hợp đồng triển khai dự án theo hình thức BT với một số nhà đầu tư, nhiều dự án đã hoàn thành khối lượng xây dựng lớn, thành phố cũng đã chuẩn bị quỹ đất đối ứng.

Tuy nhiên, mọi việc phải dừng lại cả năm trời, không những tiến độ các dự án BT giậm chân tại chỗ, mà Thành phố còn bị phạt vì không thể thanh toán với mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8%/năm.

Sẽ có rất nhiều địa phương như TP.HCM, Hải Phòng… và Nghị định 69 thực sự đã tháo gỡ cho họ một nút thắt quan trọng.

Theo nghị định này, với việc tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, việc sử dụng đất và các tài sản công khác để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá, tức là giá trị dự án tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Đây là một bước tiến lớn, giúp các địa phương không loay hoay khi trả quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Ngay cả trường hợp giá trị mảnh đất cao hoặc thấp hơn giá trị công trình, Nghị định cũng quy định khá rõ về cách xử lý phần chênh lệch bằng việc nhà đầu tư phải trả bằng tiền mặt cho địa phương hoặc ngược lại địa phương sẽ bù tiền cho nhà đầu tư.

Như so sánh của ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Công sản, Bộ Tài chính khi nhận định về Nghị định 69 rằng, khi nhà đầu tư xây dựng công trình BT là bờ ven bãi sú hoang vu, nhưng sau đó được đầu tư, thậm chí chỉ là thông tin quy hoạch, lập tức giá thị trường tăng mạnh. Trong trường hợp này, nếu xử lý thiếu léo khéo sẽ gây tổn hại cho nhà đầu tư. Song nếu không xem xét cụ thể sẽ gây thất thoát cho Nhà nước nếu phải thanh toán dự án BT.

Nghị định 69 đã xử lý tương đối hài hòa vấn đề này, đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước, nhưng cũng không triệt tiêu động lực của nhà đầu tư.

Ngoài ra, quy định đáng chú ý nữa là việc yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, đây là bước tiến lớn nhằm đảm bảo nguyên tắc ba bên (Nhà nước - doanh nghiệp - người dân) cùng có lợi.

Trên nguyên tắc đó, nghị định mới cũng đảm bảo việc “khoanh vùng” những nhà đầu tư “có vấn đề” và đồng thời xác nhận, “đóng dấu bảo hành” cho những doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật và minh bạch, công khai trong quá trình triển khai dự án.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, nghị định này cũng đã tính đến những “nỗi lo” của nhà đầu tư với đồng vốn bỏ ra. Trên thực tế, mỗi dự án BT thường có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm. Doanh nghiệp đã huy động lượng vốn rất lớn để đầu tư thì cũng phải được pháp luật đảm bảo bằng nghĩa vụ của Nhà nước, chứ không thể chịu rủi ro bởi sự thay đổi của chính sách khi các bên đã cam kết trước khi bắt tay triển khai dự án.

Tất nhiên, từ chính sách được ban hành đến việc thực thi có hiệu quả trong cuộc sống luôn có khoảng cách. Với Nghị định 69 có vấn đề xử lý ra sao đối với các dự án BT được ký kết theo hình thức chỉ định thầu trước thời điểm 1/1/2018 - ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bắt đầu có hiệu lực còn có thể gây lúng túng.

Tuy nhiên, với sự hào hứng của các nhà đầu tư và nhiều địa phương sau một thời gian quá lâu phải chờ đợi, tin rằng điểm nghẽn của việc triển khai các dự án BT sẽ được khơi thông. Qua đó, góp phần giải quyết bài toán vốn đầu tư hạ tầng ước khoảng 3 triệu tỷ đồng từ nay đến 2030 trong khi nguồn lực ngân sách còn rất hạn hẹp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục