Nhà đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương tìm kiếm cơ hội từ Brexit

(ĐTCK) Khi mà Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu vẫn còn chìm trong những bấp bênh hậu Brexit, các nhà đầu tư bất động sản tiềm năng tại châu Á Thái Bình Dương đang bắt đầu tìm kiếm những cơ hội từ sự chênh lệch tỷ giá và chính sách nới lỏng tiền tệ từ các ngân hàng trung ương.
Nhà đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương tìm kiếm cơ hội từ Brexit

Báo cáo của JLL mang tên "Cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU - Tác động của Brexit - 5 ngày sau" cho biết, nhu cầu khách thuê văn phòng tại Luân Đôn sẽ bị thu hẹp trong ngắn hạn và những mối đe dọa đã được dự đoán đối với các ngành dịch vụ tài chính tại Luân Đôn có thể làm nhu cầu về nhà ở cao cấp trong nước giảm xuống. Tuy nhiên, đồng bảng Anh mất giá lại mở ra cơ hội mua lớn, đặc biệt là từ các loại tiền tệ neo theo đồng đô la tại các nước Trung Đông và châu Á.

Tiến sĩ Chua Yang Liang, Trưởng bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của JLL cho biết, "ngày càng có nhiều nhu cầu mua từ các khách hàng tại Singapore. Mục đích của họ là tận dụng lợi thế của sự chênh lệch tỷ giá và sự điều chỉnh giá cả của thị trường nhà ở, mặc dù vẫn có một số khách hàng chờ đợi thị trường ổn định hơn trước khi tham gia đầu tư."

Trong khi đó, Mark Elliott, Phó giám đốc dịch vụ Bất động sản Nhà ở Quốc tế của JLL tại Hồng Kông cho biết, tại Hồng Kông cũng đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở Vương quốc Anh. Theo quan điểm của một nhà đầu tư nước ngoài, sự biến động tỷ giá có thể tạo ra cơ hội lớn cho những nhà đầu tư đang có nhiều tiền mặt ở nước ngoài. Cụ thể, nhà đầu tư tại đại lục Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm những cơ hội khác khi đồng bảng Anh giảm mạnh, mặc dù chính quyền vẫn đang tiếp tục kiểm soát để ngăn chặn các dòng vốn bất hợp pháp.

Trong khi tâm lý thị trường nhà ở có phần tích cực thì tâm lý của thị trường bán lẻ vẫn còn rất dè dặt.

Tại các thị trường trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ảnh hưởng của Brexit khá phức tạp. Tiến sĩ Megan Walters, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại châu Á Thái Bình Dương cho biết, một số công ty của Anh và châu Âu có thể sẽ thận trọng hơn khi đầu tư hoặc mở rộng tại châu Á Thái Bình Dương, khi mà các hoạt động cốt lõi trong khu vực của họ gặp ảnh hưởng, tuy nhiên, bất kỳ tác động tiêu cực nào cũng sẽ bị triệt tiêu bởi lẽ tăng trưởng kinh tế trong khu vực chủ yếu chỉ dựa vào nhu cầu trong nước.

Theo tiến sĩ Walters, tác động trực tiếp của Brexit vào Trung Quốc được dự kiến sẽ không đáng kể khi mà nhu cầu bên ngoài không còn là nhân tố chính cho sự phát triển của Trung Quốc, mặc dù đồng đô la tăng sẽ khiến đồng nhân dân tệ mất đi ít nhiều giá trị, và một lần nữa sẽ thử thách khả năng kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa khi mà chính phủ đang cần một đồng tiền ổn định trước khi chính thức được đưa vào rổ dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 1/10 sắp tới.

David Rees, Trưởng phòng Nghiên cứu của JLL tại Úc cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần vào tỷ lệ tăng trưởng giao dịch thương mại và bất động sản nhà ở trong những năm gần đây. Hầu hết các nguồn vốn này đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Và chẳng có lí do nào để kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit có thể thay đổi được điều này trong tương lai.

Thống kê cho thấy, trước ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, đồng Bảng Anh đã giảm xuống 1,30 đô la vào 06/07 so với mức 1,49 đô la vào 23/06, mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Cùng với sự tăng giá của đồng Yên, các đồng đô la Hồng Kông và đô la Singapore cũng tăng song song với đà tăng của đồng đô la Mỹ

V.Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục