Nhà đầu tư 7 năm chờ quỹ bảo vệ

(ĐTCK) Một cơ chế khung về bảo vệ NĐT đã được quy định tại Luật Chứng khoán có hiệu lực cách đây 7 năm, nhưng lần đầu tiên được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đặt mục tiêu xây dựng quy định chi tiết, để đưa vào áp dụng trên thực tế. Đó là quy định về lập quỹ bảo vệ NĐT.
Nhà đầu tư 7 năm chờ quỹ bảo vệ

Cụ thể, khi quy định về nghĩa vụ của CTCK, Luật Chứng khoán quy định, CTCK trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty... Tuy nhiên, kể từ khi Luật có hiệu lực cách đây 7 năm, đến nay cơ chế bảo vệ NĐT này không thể đi vào cuộc sống, bởi không có văn bản hướng dẫn chi tiết. Nếu tình trạng này không tồn tại suốt nhiều năm qua, thì NĐT đã có thể tránh được họa “bỗng dưng mất tiền” như các trường trường hợp tại Tràng An, Đại Việt, SME... vừa qua.

Tính khả thi của quỹ bảo vệ NĐT là tâm điểm tranh luận giữa NĐT với các CTCK, cũng như cơ quan quản lý suốt thời gian qua. Hàng loạt câu hỏi được nêu ra, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Đó là CTCK trích nộp vào quỹ theo phương thức nào; căn cứ vào đâu để tính mức thiệt hại của NĐT, trên cơ sở đó xác định mức bồi thường từ quỹ; ai đứng ra quản lý quỹ bảo vệ NĐT...?

Việc không dễ tìm ra lời giải cho những câu hỏi trên, đang là nguyên nhân khiến cho cơ chế bảo vệ NĐT, tuy đã được quy định trong Luật Chứng khoán, nhưng trên thực tế không hề phát huy tác dụng trong bảo vệ NĐT. Điều này đòi hỏi cần có hướng tiếp cận mới trong cụ thể hóa cơ chế bảo vệ NĐT, nhất là trong bối cảnh lần đầu tiên trong năm 2014, nằm trong nhóm giải pháp kích cầu, khơi thông dòng vốn từ NĐT trong nước cho TTCK, UBCK đặt vấn đề nghiên cứu xây dựng quy định thành lập quỹ bảo vệ NĐT trong trường hợp giải thể, phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Để đảm bảo tính khả thi của cơ chế này trong bối cảnh thực tiễn TTCK Việt Nam, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho rằng, nên cân nhắc hình thành cơ chế buộc CTCK mua bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT trong trường hợp CTCK đổ vỡ, phá sản, tương tự như mô hình các ngân hàng thương mại mua bảo hiểm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Cơ chế buộc CTCK mua bảo hiểm để có nguồn bồi thường thiệt hại cho NĐT trong trường hợp CTCK vi phạm pháp luật gây mất tiền của khách hàng, theo đại diện UBCK, được thế giới áp dụng thành công. Thậm chí, có nước đặt ra cơ chế pháp lý chặt chẽ theo hướng CTCK phải mua bảo hiểm hoạt động, thì mới đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ cho thị trường. Áp dụng cơ chế này, không chỉ cải thiện niềm tin của NĐT nơi CTCK, mà còn giúp NĐT yên tâm bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán. Với hướng gợi mở này, hy vọng cơ chế bảo vệ NĐT sẽ hết bị “treo” như nhiều năm qua.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục