Nhà Đà Nẵng: Lợi nhuận gộp không đủ bù đắp chi phí
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thường tập trung vào ngành nghề chính, chỉ sử dụng một phần tiền mặt sẵn có để đầu tư chứng khoán (tỷ trọng dưới 10% tổng tài sản), thì Nhà Đà Nẵng và MHC trong những năm qua chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực chứng khoán. Điều này khiến hoạt động cốt lõi trước đó là kinh doanh bất động sản của Nhà Đà Nẵng và dịch vụ vận tải của MHC liên tục suy giảm, đóng góp không đáng kể trong cơ cấu lợi nhuận.
Tính tới ngày 31/3/2025, Nhà Đà Nẵng đã đầu tư tổng cộng 462,2 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, chiếm 37,2% tổng tài sản. Trong đó, 164,3 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes, 97,8 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát, 42,8 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept, 30,97 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT), 28,97 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu STB của Sacombank…
Tính tới ngày 31/3/2025, Nhà Đà Nẵng đầu tư 462,2 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, chiếm 37,2% tổng tài sản; con số này tại MHC là 483,4 tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng tài sản.
Về hoạt động kinh doanh bất động sản, sau khi triển khai dự án Khu phức hợp The Monarchy - Block A, quy mô 1.842 m2, vốn đầu tư 130 tỷ đồng, hoàn thành năm 2016, Nhà Đà Nẵng triển khai phân khu tiếp theo tại dự án Khu phức hợp The Monarchy - Block B, diện tích 8.967 m2, tổng vốn đầu tư 1.038 tỷ đồng, bắt đầu bàn giao từ năm 2020 tới nay.
Từ ngày 31/12/2019 đến 31/3/2025, tồn kho tại dự án The Monarchy - Block B giảm 89,1%, tương ứng giảm 643,1 tỷ đồng, xuống 78,6 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 98,9%, tương ứng giảm 1.375,3 tỷ đồng, xuống 15,1 tỷ đồng.
Như vậy, gần như toàn bộ “của để dành” trong mục người mua trả tiền trước đã được Công ty hạch toán gần hết, chỉ còn lại 15,1 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng nguồn vốn (so với thời điểm 31/12/2019 ghi nhận 1.390,4 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng nguồn vốn).
Ngoài ra, với việc ghi nhận phần lớn doanh thu và lợi nhuận từ dự án The Monarchy - Block B trong giai đoạn 2020 - 2023, bước sang năm 2024, lợi nhuận của Nhà Đà Nẵng giảm 83,4%, xuống 36,18 tỷ đồng. Quý I/2025 vừa qua, lợi nhuận gộp không đủ trả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, Công ty có lãi 44,93 tỷ đồng chủ yếu nhờ hoàn nhập 37,3 tỷ đồng giảm giá chứng khoán và các khoản đầu tư.
Khi dự án The Monarchy - Block B hoàn thành, Nhà Đà Nẵng lên kế hoạch triển khai dự án Paracel tại đường Phan Đăng Lưu, TP. Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý IV/2020, nhưng cho đến nay vẫn không thể thực hiện. Năm 2025, Công ty công bố dự án mới - Chung cư 13 Nguyễn Chí Thanh, dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục xin phép, cấp phép cho dự án có quy mô 851 m2 này.
Thực tế, Chung cư 13 Nguyễn Chí Thanh là một dự án từng dính nhiều sai phạm khi năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra việc cơ quan chức năng giao đất nhưng doanh nghiệp không sử dụng đúng mục đích.
Sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà Đà Nẵng Nguyễn Quang Trung bị bắt cuối năm 2021 về hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí thời điểm trước cổ phần hóa năm 2010, công ty này bước vào giai đoạn chậm triển khai dự án mới, chủ yếu bàn giao các sản phẩm còn lại tại dự án The Monarchy - Block B. Thay vào đó, Nhà Đà Nẵng sử dụng quỹ tiền mặt để đầu tư vào thị trường chứng khoán, với tỷ trọng đầu tư ngày càng tăng.
Danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng hiện tập trung vào các cổ phiếu vốn hoá lớn như VHM, HPG, GMD, PVT, STB.
MHC: Quá nửa tài sản dùng để đầu tư chứng khoán
Tiền thân là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thủy, đường bộ, kho bãi, lưu giữ hàng hóa…, song kể từ năm 2015 tới nay, MHC đẩy mạnh đầu tư tài chính.
Cụ thể, năm 2015, sau khi chào bán cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn điều lệ từ 135,6 tỷ đồng lên 271,1 tỷ đồng, MHC liên tục đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tổng giá trị đầu tư chứng khoán thời điểm cuối năm 2015 là 187,2 tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng tài sản, trong khi đầu năm chỉ đầu tư 0,35 tỷ đồng. Đỉnh điểm là giai đoạn 2016-2018, tỷ trọng tài sản đầu tư chứng khoán của MHC lên tới 83,6 - 85,7% tổng tài sản.
Tính tới 31/3/2025, MHC đầu tư 483,4 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, chiếm 54,2% tổng tài sản. Trong đó, đầu tư 262,7 tỷ đồng vào cổ phiếu EIB của Eximbank, 78,2 tỷ đồng vào cổ phiếu SEA của Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam - CTCP, 67,6 tỷ đồng vào cổ phiếu PET của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí, 74,8 tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu khác.
Tập trung vào đầu tư chứng khoán nên kết quả kinh doanh của MHC hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào hiệu quả danh mục đầu tư trong kỳ kế toán. Từ năm 2020 tới 2024, lợi nhuận gộp mà MHC tạo ra không đủ trả chi phí quản lý doanh nghiệp, Công ty có lãi là nhờ hoạt động tài chính, đặc biệt là đầu tư cổ phiếu.
Tuy nhiên, trong quý I/2025, MHC ghi nhận lỗ 15,33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2024 lãi 6,24 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do lãi đầu tư tài chính, chứng khoán giảm 8,94 tỷ đồng, xuống 5,99 tỷ đồng; đồng thời doanh nghiệp phải tăng dự phòng đầu tư chứng khoán thêm 7,3 tỷ đồng, lên 9,05 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông năm 2025, ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc MHC cho biết, đối với hoạt động tài chính, Công ty sẽ triển khai các giải pháp tài chính đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoạt động đầu tư và chuẩn bị cho các dự án đầu tư theo kế hoạch kinh doanh đã đề ra; tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, quy chế công ty, bảo toàn và phát triển vốn.