9 tháng, lãi 195 tỷ đồng nhờ đầu tư tài chính
Báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng cho thấy, trong kỳ, Công ty đạt doanh thu 56,18 tỷ đồng, tăng 49,61 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận đạt 27,58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 28,77 tỷ đồng. Lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng đầu tư tài chính, với 27,6 tỷ đồng lợi nhuận từ mảng này (cùng kỳ lỗ 28,8 tỷ đồng).
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Nhà Đà Nẵng đạt doanh thu 368,8 tỷ đồng, gấp 154 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 124 tỷ đồng, tăng thêm 319 tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận tài chính tăng 170 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng tăng từ mức âm 116,55 tỷ đồng lên 53,45 tỷ đồng và chiếm 27,4% tổng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được, Công ty đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra (160 tỷ đồng) sau ba quý.
Tại thời điểm cuối quý III, giá trị đầu tư chứng khoán của Công ty là 468,9 tỷ đồng (theo giá gốc), tăng 51% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 158,4 tỷ đồng, tương đương 33,9% tổng tài sản. Danh mục đầu tư tập trung vào các cổ phiếu STB (195,2 tỷ đồng), HPG (109,4 tỷ đồng), DGC (49,9 tỷ đồng), MWG (20,25 tỷ đồng), QTP (8,7 tỷ đồng)…
Con số lợi nhuận đầu tư tài chính cũng như lợi nhuận chung của Nhà Đà Nẵng trong 9 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là nhờ thị trường chứng khoán có nhịp hồi phục kéo dài trong ba quý đầu năm, giúp mặt bằng giá các cổ phiếu trên thị trường tăng mạnh.
Chi phí tài chính của Công ty trong giai đoạn này âm 3,04 tỷ đồng, tích cực so với con số 161,76 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; trong đó, dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán là 19,7 tỷ đồng, giảm 100,3 tỷ đồng so với đầu kỳ; lỗ đầu tư chứng khoán giảm 16,5 tỷ đồng, về 43,8 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính 69,2 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý III/2023, giá trị đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng là 468,9 tỷ đồng, tương đương 33,9% tổng tài sản.
Là doanh nghiệp bất động sản nhưng từ năm 2014, Nhà Đà Nẵng đã “lấn sân” tham gia đầu tư tài chính. Năm 2018, gần như Công ty không tham gia đầu tư. Từ năm 2019, Công ty đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, với giá trị đầu tư năm 2019 là 107,6 tỷ đồng, năm 2020 là 130,8 tỷ đồng, năm 2021 là 485,8 tỷ đồng và năm 2022 là 310,5 tỷ đồng.
Với chiến lược đầu tư bất động sản theo từng dự án, xong dự án này mới triển khai dự án tiếp theo, từ năm 2021 đến nay (hoàn thành bàn giao dự án Monarchy Block B và cơ bản ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong những năm trước đó), lợi nhuận của Nhà Đà Nẵng chủ yếu đến từ mảng đầu tư tài chính. Vì thế, lợi nhuận của Công ty cũng trồi sụt theo diễn biến của thị trường chứng khoán.
Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2021, dòng tiền rẻ chảy mạnh vào thị trường cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội sinh lời trong đại dịch đã giúp thị trường có giai đoạn sôi động hiếm có trong lịch sử, hoạt động đầu tư tài chính đem lại những khoản lợi nhuận tích cực cho Nhà Đà Nẵng (24 tỷ đồng trong năm 2020 và 131 tỷ đồng trong năm 2022).
Năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc, Nhà Đà Nẵng đã hạch toán lỗ kinh doanh chứng khoán 114,5 tỷ đồng, đồng thời dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 63,6 tỷ đồng. Như vậy, chỉ với mảng đầu tư chứng khoán, công ty này đã thua lỗ 178,1 tỷ đồng.
Vài năm trước, Nhà Đà Nẵng có kế hoạch triển khai dự án Paracel, tại đường Phan Đăng Lưu, TP. Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi cựu Tổng giám đốc Nguyễn Quang Trung bị bắt vào cuối năm 2021, dự án này gần như không có dấu hiệu tiếp tục triển khai. Trên báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty ghi nhận giá trị tài sản dở dang tại dự án này vào thời điểm 30/9/2023 là 11,2 tỷ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh của Nhà Đà Nẵng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào hoạt động đầu tư tài chính.
Gió đang đổi chiều
Tuy vậy, thị trường chứng khoán đang diễn biến bất lợi với các nhà đầu tư, trong đó Nhà Đà Nẵng không tránh khỏi ảnh hưởng. Sau giai đoạn hồi phục mạnh mẽ kéo dài từ tháng 4/2023 và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm ở 1.246 điểm vào phiên 7/9/2023, chỉ số VN-Index điều chỉnh khá mạnh.
Đóng cửa phiên cuối tuần qua ở mức 1.060,62 điểm, chỉ số VN-Index gần như đánh mất hết đà tăng từ đầu năm tới nay. Thị trường vẫn chịu rủi ro đi xuống trước những biến động địa chính trị trên thế giới, nguy cơ suy thoái của một số nền kinh tế chủ chốt và áp lực tỷ giá USD/VND…
Thống kê cho thấy, so với thời điểm đầu quý IV/2023, các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Nhà Đà Nẵng đều ghi nhận mức giảm mạnh. STB giảm 7,1%, từ 30.900 đồng/cổ phiếu xuống 28.700 đồng/cổ phiếu; HPG giảm 10%, từ 26.200 đồng/cổ phiếu xuống 23.350 đồng/cổ phiếu; MWG giảm 19%, từ 51.900 đồng/cổ phiếu xuống 42.000 đồng/cổ phiếu; QTP giảm 9,1%, từ 15.300 đồng/cổ phiếu xuống 13.900 đồng/cổ phiếu…
Theo các chuyên gia chứng khoán, trong 3 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán trong nước thiếu câu chuyện mới hỗ trợ đà tăng giá, trong khi các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khi tổng cầu tiêu thụ trong nước và thế giới vẫn yếu, mặt bằng lãi suất xuống thấp nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn tiếp tục gặp khó khăn do ngân hàng e ngại nợ xấu.
Bên cạnh rủi ro danh mục đầu tư chứng khoán suy giảm giá trị, Nhà Đà Nẵng còn đối mặt với một rủi ro khác. Trong báo cáo soát xét bán niên năm 2023 của Công ty, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến các vấn đề từ trước năm 2010 (trước khi cổ phần hoá), đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể.
Ngoài ra, từ vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đà Nẵng đã ban hành lệnh phong toả tài khoản của Nhà Đà Nẵng mở tại Ngân hàng TMCP Việt Á.
Hiện tại, Công ty đang chờ các quyết định chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 30/6/2023, số tiền gửi có kỳ hạn của Nhà Đà Nẵng tại Ngân hàng TMCP Việt Á đang bị phong toả là 200,61 tỷ đồng.
Trước đó, đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Nhà Đà Nẵng đã thông qua việc giao cho Hội đồng quản trị cân đối các nguồn vốn từ quỹ thưởng Ban điều hành, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển đã được trích lập từ năm 2010 đến năm 2018 và một phần lợi nhuận chưa phân phối các năm trước để khắc phục thiệt hại theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Điều này có thể ảnh hưởng trọng yếu tới báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty tại kỳ báo cáo mà Công ty phải ghi nhận.