Chị Nguyễn Minh Thanh (quận 11, TP. HCM) cho biết, với sổ tiết kiệm sắp đáo hạn trị giá gần 2 tỷ đồng của mình, chị được phía ngân hàng mời gửi tái tục. Tuy nhiên, do thấy lãi suất tiết kiệm thời gian qua ở mức ổn định và khả năng khó tăng mạnh, chị Thanh đã thông báo cho ngân hàng để tất toán, chuyển qua kênh đầu tư khác. Nhưng ngay sau khi nhận được thông báo, ngân hàng này đã mời chào chị mức lãi suất khác ngoài bảng lãi suất niêm yết. Cụ thể, với kỳ hạn dài ngày 13-15 tháng, lãi suất thực ngân hàng sẽ trả cho chị từ 7,5-7,7%/năm, thay vì 7,1-7,3%/năm như niêm yết!
Một trường hợp khác là bà Trần Thanh An cho biết, ngoài được cộng thêm lãi suất, một số ngân hàng còn có chính sách ưu tiên cho khách hàng có độ tuổi từ 35-39 trở lên, với lãi suất ưu đãi cộng thêm ở mức khoảng 0,2%/năm. Do đó, bà An đã chọn một ngân hàng có chi nhánh ở đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP. HCM để gửi tiết kiệm, kỳ hạn tiền gửi 15 tháng với tổng mức lãi suất nhận được lên tới 7,7%/năm (cao hơn mức lãi suất niêm yết tối đa dành cho khách hàng từ 39 tuổi trở lên của ngân hàng này là 7,6%/năm, có số tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên).
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi không chỉ “nóng” giữa các ngân hàng, mà sự cạnh tranh còn diễn ra giữa các chi nhánh, phòng giao dịch trong cùng một nhà băng nhằm thu hút vốn tiết kiệm. Chẳng hạn, cùng một khách hàng gửi tiết kiệm ở chi nhánh A, nhưng sang rút tại chi nhánh B sẽ được mời chào mức lãi suất cao hơn…
Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, nhiều khả năng lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục nhích nhẹ trong thời gian tới, nhất là khi tín dụng toàn ngành ngân hàng dần được cải thiện. Trong khi đó, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp thường tăng cao nửa cuối năm, nên việc chuẩn bị tốt cho thanh khoản nhằm đáp ứng mùa cao điểm kinh doanh là vấn đề luôn được các nhà băng quan tâm.
Mặt khác, không như trước đây, khi có nhu cầu vốn, các nhà băng thay vì vay mượn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), thì nay khai thác triệt để thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư), do việc vay mượn trên thị trường 2 khá rủi ro và có những hạn chế nhất định.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, việc sử dụng vốn trên thị trường 2 “như con dao hai lưỡi”, nếu không có nhu cầu vốn cấp bách, sẽ hạn chế tối đa vay mượn vốn trên thị trường này. Điều này lý giải vì sao lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường tăng trong nửa cuối năm.
Thực tế cho thấy, ngoài việc cộng thêm biên độ lãi suất, các nhà băng còn rầm rộ tung khuyến mãi để thu hút người gửi tiền. Chẳng hạn, NCB triển khai chương trình ưu đãi dành cho các khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng trở lên sẽ được tặng 1 thẻ cào điện tử trúng thưởng tiền mặt, giá trị 500.000 đồng... Viet Capital Bank đồng loạt tăng lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, tiền gửi online và tiết kiệm 39+, với mức lãi suất tối đa 7,7%/năm…
Hay tại OCB, lãi suất được điều chỉnh tăng theo từng thời kỳ, phương thức trả lãi linh hoạt, được vay cầm cố ưu đãi… là những điểm mới khi khách hàng tham gia sản phẩm “Tiết kiệm toàn phát”.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, sự kiện Anh rời EU, đã có những tác động nhất định đến một số kênh đầu tư (chứng khoán, vàng, ngoại tệ…) và thị trường tài chính sẽ còn diễn biến khó lường. Do đó, kênh gửi tiền tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và còn tăng sức hấp dẫn với xu hướng lãi suất tăng. Lãi suất trung bình có thể đạt tới trên 8%/năm ở các kỳ hạn dài.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất khó tăng cao, song cũng rất khó giảm. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là cố gắng giữ được mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay.