NH trong nước: Không sợ thâu tóm

(ĐTCK-online) Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) VN hiện đang gặp nhiều khó khăn do chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, thị trường bất động sản tăng trưởng bất bình thường buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sử dụng chính sách thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, theo ông Dominic Price, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng JP Morgan tại VN thì đây cũng là cơ hội để hệ thống NHTM thay đổi lại các hoạt động của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng VN cần tập trung vào lĩnh vực nào?

Trong khi ngân hàng các nước trong khu vực tập trung nguồn vốn cho hoạt động xuất - nhập khẩu thì các ngân hàng VN, đặc biệt là hệ thống NHTM cổ phần chưa thực sự chú trọng vào mảng này. Một phần là do hầu hết  chỉ mới được thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong tín dụng thương mại như cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng khác cho hoạt động xuất - nhập khẩu; phần khác là thị trường tín dụng truyền thống vẫn còn nhiều nên các NHTM cổ phần tập trung khai thác mảng này. Tuy nhiên, việc NHNN thắt chặt chính sách tín dụng để kiềm chế lạm phát đã khiến nhiều NHTM gặp khó khăn. Để duy trì tốc độ phát triển, đặc biệt là để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% như Chính phủ đã đề ra, các ngân hàng phải nâng cao khả năng để bảo đảm cho mọi giao dịch thương mại diễn ra thông suốt, kịp thời. Trước mắt, hệ thống NHTM của VN phải phát triển công nghệ, cải tiến quy trình quản lý tiền tệ.

 

Bằng cách nào, thưa ông?

Hoặc là tự thân ngân hàng phải thực hiện hoặc hợp tác với ngân hàng nước ngoài (NHNg) thông qua việc bán cổ phần cho NHNg.

 

Theo ông, các NHTM VN nên chọn phương án nào?

NHTM hầu hết các nước trong khu vực châu Á đều chọn phương án bán cổ phần cho NHNg. Tôi cho rằng, các NHTM VN nên theo hướng này. Bởi chỉ có bán cổ phần cho NHNg thì mới tận dụng được công nghệ, trình độ quản lý... của họ với chi phí thấp. Nếu tự mình đầu tư, “vừa học vừa làm vừa rút kinh nghiệm” thì chi phí rất lớn và mất rất nhiều thời gian.

 

Ngoài ra còn lợi ích gì nữa?

VN không chỉ là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài mà các DN Việt Nam cũng bắt đầu gia tăng đầu tư ra nước ngoài và họ cũng muốn được sự hỗ trợ của ngân hàng trong nước đối với hoạt động này. Nếu tự mình đầu tư thì các NHTM cổ phần của VN rất khó khăn để mở chi nhánh, ngân hàng con ở nước ngoài. Trong khi đó, các ngân hàng quốc tế có mặt ở hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nếu NHNg trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng trong nước thì ngân hàng VN sẽ tận dụng được ngay mạng lưới này mà không cần phải đầu tư. Tôi nghĩ, việc hợp tác có lợi cho cả hai bên.

 

Nhiều người lo ngại, nếu mở rộng tỷ lệ cho NHNg tham gia mua cổ phần, đến một lúc nào đó, NHNg sẽ thôn tính ngân hàng trong nước?

Đúng là các ngân hàng quốc tế có công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý cao hơn rất nhiều, nhưng trên thực tế rất ít xảy ra việc thôn tính, bởi họ cũng thấy rằng, nếu không dựa vào ngân hàng bản địa thì  rất khó thành công. Bản thân JP Morgan cũng vậy, mặc dù chúng tôi đã có thâm niên hoạt động tại VN (năm 1995, JP Morgan mở văn phòng đại diện và đến năm 2000 đã mở chi nhánh tại VN) và cũng sẽ tham gia mua cổ phần của NHTM trong nước nhưng chưa bao giờ chúng tôi có ý định thôn tính bất cứ một ngân hàng VN nào...

 

Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ Việt Nam khống chế tỷ lệ sở hữu của 1 NHNg tối đa là 20% vốn điều lệ của 1 NHTM Việt Nam?

Cũng như VN, Ấn Độ được coi là thị trường mới nổi, một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, thế nhưng để bảo vệ ngân hàng trong nước, Chính phủ Ấn Độ chỉ cho phép NHNg sở hữu tối đa 5% vốn của 1 ngân hàng nội địa. Kết quả là sự phát triển của ngân hàng nội địa Ấn Độ không theo kịp với sự phát triển kinh tế. VN cho phép NHNg tham gia góp vốn tới 20% vốn của 1 ngân hàng nội địa đã tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng VN phát triển nhanh hơn, tận dụng được công nghệ, trình độ quản lý, kinh nghiệm quản lý của NHNg.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế vẫn mong muốn VN mở cửa thị trường ngân hàng nhanh hơn, rộng hơn?

Theo tôi biết, nhiều tập đoàn tài chính mong muốn được tham gia mua 30% thậm chí là 49% cổ phần của ngân hàng trong nước. Tất nhiên, mong muốn này chưa thể thỏa mãn được, bởi mở cửa thị trường ngân hàng ở mức độ và thời điểm nào đã được các nhà hoạch định chính sách của VN cân nhắc kỹ để vừa bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO vừa bảo đảm cho sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng, tỷ lệ khống chế NHNg sở hữu tối đa 20% cổ phiếu của 1 ngân hàng trong nước của Việt Nam hiện nay là phù hợp.

Mạnh Bôn thực hiện
Mạnh Bôn thực hiện

Tin cùng chuyên mục