Ông Phùng Đình Thực bị truy tố tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (PVC).
Vụ án có 22 bị cáo, trong đó ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC. Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án từ ngày 8 – 22/1.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phùng Đình Thực bị tuyên phạt mức án 9 năm tù và phải bồi thường 7,5 tỷ đồng.
Đơn kháng cáo của ông Thực cho rằng, bản thân bị hàm oan. Ông Thực khẳng định, không ký các Quyết định cấp vốn tạm ứng, không ký các Phiếu chi tạm ứng cho Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; các tài liệu, lời khai của tất cả các bị cáo khác cho thấy, bản thân ông Thực không có bất cứ chỉ đạo riêng tư nào yêu cầu PVN và Ban Quản lý dự án cấp tạm ứng vốn cho PVC.
Với một Tập đoàn kinh tế lớn và đa ngành nghề như PVN, Tổng giám đốc không thể trực tiếp điều hành hết tất cả các lĩnh vực mà đã phân công, phân quyền cụ thể, rõ ràng cho 10 Phó tổng giám đốc. Các Phó tổng giám đốc chịu trách nhiệm trực tiếp và đến cùng toàn bộ các hoạt động thuộc lĩnh vực được phân công, phụ trách, trong đó có Phó tổng giám đốc phụ trách điện.
Trong đơn, ông Thực nêu bản thân không chỉ đạo ấn định thời gian khởi công, vì đã được Hội đồng thành viên xác định trước đó, và Phó tổng giám đốc phụ trách điện ấn định cụ thể là quý I/2011 tại văn bản số 11370 ngày 14/12/2010 kết luận cuộc họp ngày 10/12/2010.
Ông Thực cho rằng, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm kết luận trước ngày 16/6/2011 ông có biết hợp đồng số 33 không có căn cứ pháp lý, không có hiệu lực thi hành, là không đúng với thực tế và hàm oan cho mình.
Ông cũng cho rằng, bản thân không biết hợp đồng 33 không có căn cứ pháp lý, không có hiệu lực thi hành và không được cấp dưới báo cáo.
Về việc PVN tạm ứng tiền cho PVC, ông Thực trình bày, không ký vào các quyết định cấp vốn tạm ứng, phiếu chi tạm ứng cho Ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đáng chú ý, ông Thực cho rằng, có nhiều chứng cứ mới, rõ nét chứng minh bản thân không có lợi ích nhóm, không tư lợi. Thời gian đương chức, ông không ưu ái cho cá nhân hoặc đơn vị nào thuộc tập đoàn.
"Chính tôi trực tiếp ký quyết định miễn nhiệm lãnh đạo PVC ngay sau khi tổng công ty này có một năm kinh doanh thua lỗ" - đơn nêu kèm theo tài liệu bổ sung.
Với các lý do trên, ông Thực kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Song ông thừa nhận có sơ suất trong việc kiểm tra, giám sát dự án không sát sao.
Đơn kháng cáo còn nêu thành tích trong thời gian ông ở vị trí Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐTV PVN, cũng như những đóng góp trong nghiên cứu khoa học với 70 công trình, 3 bằng sáng chế (2 bằng Việt Nam, 1 bằng Liên bang Nga), được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương của Việt Nam và Liên bang Nga, được công nhận là chuyên gia dầu khí trong nước và quốc tế...
Từ đó, ông Phùng Đình Thực bày tỏ mong muốn Tòa phúc thẩm xem xét khách quan, đầy đủ cả các chứng cứ và đánh giá đúng với hành vi và trách nhiệm của ông trong vụ án này.