Vốn cho tín dụng xanh còn nhỏ giọt
Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) vào tháng 3/2019 cho thấy, sự hiểu biết của các TCTD về tài chính bền vững và tín dụng xanh đã được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, 19 TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường - xã hội, 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng… Tuy nhiên, dòng vốn thực tế đang chảy vào các dự án xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam còn khá nhỏ giọt.
Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, quý I/2019, có 20 TCTD đã cho vay với dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 242.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay trung - dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, ngắn hạn khoảng 54.000 tỷ đồng.
Chiếm lớn nhất là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn với 131.000 tỷ đồng; lâm nghiệp bền vững là 13.600 tỷ đồng; năng lượng tái tạo chỉ khoảng 8.000 tỷ đồng (chiếm 3,5% tổng dư nợ tín dụng xanh).
Một báo cáo gần đây của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) dự báo, tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD từ nay tới năm 2030. Trong đó, cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo khoảng 59 tỷ USD, bao gồm 31 tỷ USD cho các dự án năng lượng mặt trời, 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ và 80 tỷ USD cho các công trình xanh.
“So với tổng dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng, dư nợ tín dụng xanh chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Trong khi đó, khó khăn trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng xanh cũng không ít…”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nói.
Trái phiếu xanh: Kênh huy động vốn mới
Trái phiếu xanh là trái phiếu một doanh nghiệp hoặc TCTD phát hành để huy động vốn cho các dự án và hoạt động ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu.
Trái phiếu xanh có cơ cấu giao dịch tương tự như trái phiếu truyền thống, nhưng có những yêu cầu khác về báo cáo, kiểm toán và phân bổ nguồn tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu.
Trái phiếu xanh sẽ mở ra kênh huy động vốn mới cho các định chế tài chính trong nước, đặc biệt cho danh mục đầu tư dài hạn như đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, năng lượng tái tạo…, mà hiện nay các định chế tài chính này chưa thể đáp ứng hết bằng các sản phẩm tài chính truyền thống.
Ðối với Việt Nam, các lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng cho trái phiếu xanh bao gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công trình xanh và các phương tiện giao thông xanh (chạy bằng điện).
Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một định chế tài chính nào của Việt Nam phát hành trái phiếu xanh. Việt Nam đã có khung pháp lý chung đối với trái phiếu xanh khi Nghị định 163/2018/NÐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp công nhận trái phiếu xanh và hoàn thiện thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam là thành viên tích cực của Nhóm xây dựng và triển khai Nguyên tắc trái phiếu xanh ASEAN.
Hiện nay, các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là IFC với Quỹ Trái phiếu xanh IFC - Amundi, đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư và hỗ trợ các định chế tài chính ở các nước đang phát triển như Việt Nam phát hành trái phiếu xanh.
“Sự thành công của một giao dịch đầu tiên có thể tạo tác động lan tỏa và góp phần khuyến khích đầu tư vào các hoạt động xanh/khí hậu thông minh - nhờ đó hỗ trợ sự tăng trưởng của danh mục đầu tư liên quan của khu vực tài chính”, bà Nguyễn Thiên Hương, cán bộ phụ trách chương trình Tư vấn phát triển ngân hàng bền vững của IFC chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển bền vững được tổ chức gần đây, phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI).
Cũng theo bà Hương, IFC đã tham gia thành công vào một số giao dịch trái phiếu xanh tại khu vực Ðông Nam Á, trong đó có 3 giao dịch phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của các ngân hàng thương mại tại Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Dẫn chứng về các cơ hội kinh doanh mới từ phát hành trái phiếu xanh, bà Hương cho biết, ngân hàng lớn nhất Philippines - BDO đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên vào tháng 12/2017, huy động được 150 triệu USD để tài trợ các dự án liên quan đến khí hậu. Ngân hàng TMB của Thái Lan và Ngân hàng OCBC NISP của Indonesia cũng là các ngân hàng phát hành trái phiếu xanh đầu tiên tại các quốc gia này.
“Ðây thực sự là cơ hội kinh doanh tốt để các ngân hàng Việt Nam cân nhắc”, bà Hương nhấn mạnh.
Việt Nam rất có khả năng tạo ra nguồn vốn trung - dài hạn
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thông tin, Ủy ban là đơn vị tham gia mục tiêu chung về chiến lược tăng trưởng quốc gia xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2018-2020 và định hướng 2030 về kế hoạch tăng trưởng xanh.
Do đó, bên cạnh việc minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hướng tới nâng cao nhận thức, Ủy ban còn đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, hướng tới tiếp cận nguồn vốn từ nước ngoài.
“Với cách tiếp cận đó, Ủy ban tham gia khuôn khổ chung ASEAN, tham gia xây dựng Tiêu chuẩn trái phiếu ASEAN, trái phiếu xã hội và trái phiếu phát triển bền vững. Không chỉ xây dựng các tiêu chí, ASEAN còn chủ động tìm kiếm các nguồn đầu tư vào thị trường này, trong đó Việt Nam là một trong những nước tham gia và được hưởng lợi từ những khoản đầu tư bên ngoài và trong ASEAN vào trái phiếu xanh”, ông Dũng thông tin.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay, áp lực lớn nhất đối với các ngân hàng là dành vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Khi thị trường vốn được đẩy mạnh, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn trung - dài hạn, còn lại ngân hàng chỉ đảm bảo một phần nguồn vốn này.
Ðồng quan điểm, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, ngân hàng cần giảm vốn đầu tư trung - dài hạn để hướng nhiệm vụ này sang thị trường vốn.
“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam rất có khả năng tạo ra nguồn vốn trung - dài hạn, nhưng phải nỗ lực hơn trong việc thành lập quỹ hưu trí hay các quỹ khác để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cần nỗ lực hơn, nhanh hơn, cấp bách hơn để các định chế này sớm được ra đời, nếu không Việt Nam sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn ở nước ngoài với nhiều đòi hỏi hơn về giá, về rủi ro và các điều kiện phi tài chính khác…”, ông Dominic Scriven phân tích.
Bà Hương cho biết, có 28 ngân hàng thương mại trên toàn cầu với tổng tài sản 17.000 tỷ USD đã tham gia “Nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm” của Sáng kiến tài chính thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP FI) và dùng nguyên tắc này làm định hướng cho việc điều chỉnh “Chiến lược kinh doanh và quản trị ngân hàng” trên toàn cầu cho phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.
Ðồng thời, UNEP FI cũng đưa ra bộ công cụ đánh giá các tác động của hoạt động ngân hàng đến xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu, bảo đảm các hoạt động ngân hàng vì sự phát triển bền vững, được giải trình và minh bạch đối với xã hội, khách hàng và các bên liên quan.
“Khi Ðại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua và đưa ‘Nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm’ áp dụng trên toàn cầu dự kiến vào cuối năm 2019, sẽ làm thay đổi cơ bản hoạt động ngân hàng và quản trị hệ thống ngân hàng toàn cầu. Các ngân hàng Việt Nam cũng cần chuẩn bị để thực thi nguyên tắc này”, bà Hương nói.