Nguyên tắc “Ngân hàng có trách nhiệm”: Định hình cho tương lai

(ĐTCK) Khu vực tài chính - ngân hàng Việt Nam với định hướng tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã có những bước tiến quan trọng, với tín hiệu chính sách và hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước.
Nguyên tắc “Ngân hàng có trách nhiệm”: Định hình cho tương lai

Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã rất tích cực, chủ động đưa ra các sáng kiến tài chính - ngân hàng xanh, cung ứng các gói tín dụng và sản phẩm, dịch vụ liên quan tới môi trường, từng bước thực hiện các biện pháp như quản trị rủi ro môi trường - xã hội...

Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Chẳng hạn, tại Báo cáo tiến độ quốc gia mới đây của Mạng lưới ngân hàng bền vững và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam được xếp ở giai đoạn số 4 - là mức rất tiên tiến. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia và khu vực trên thế giới được lựa chọn để tham vấn sâu về Bộ Nguyên tắc, trước khi tiếp tục hoàn thiện và chính thức thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc sắp tới, cũng là một sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế nói chung và Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) nói riêng.

Dù vậy, chặng đường phía trước còn khá dài nếu muốn đưa tăng trưởng xanh và tài chính - ngân hàng xanh, bền vững trở thành xu thế mạnh mẽ tại Việt Nam. Để có thể đóng góp hiệu quả hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững và nền kinh tế xanh, các ngân hàng thương mại cần có chiến lược phù hợp với các mục tiêu này và thiết lập các chính sách, nguyên tắc và công cụ tương ứng để hỗ trợ.

Chúng ta cũng cần tạo sự cộng hưởng giữa các ngân hàng với nhau và với các bên liên quan khác. Bằng cách kết nối và hợp tác, các ngân hàng có thể cùng nhau đạt được nhiều mục tiêu, hơn là chỉ tự mình thực hiện, từ đó tạo ra những tác động, những thay đổi ở quy mô lớn hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Việc hướng các ngân hàng gắn với các mục tiêu phát triển bền vững và khí hậu, tăng cường kết nối, hợp tác sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, đó là cơ hội kinh doanh rộng mở và cải thiện cách thức kinh doanh, tạo ra những điển hình kinh doanh thành công, cho phép ngân hàng có một vị thế tốt hơn để thành công trong một nền kinh tế và xã hội đang thay đổi, qua đó giảm thiểu rủi ro bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hậu quả của biến đổi khí hậu.

Hơn thế nữa, việc định hướng phát triển hệ thống ngân hàng bền vững ở Việt Nam không chỉ phù hợp với các Chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu của Chính phủ, mà còn phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hỗ trợ Chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam. Đối với khu vực ngân hàng, điều đó hàm ý đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động và dịch vụ ngân hàng, trong đó có ngân hàng số, ngân hàng điện tử và FinTech. Như tôi được biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các ban chỉ đạo tương ứng cho các hướng phát triển mang tính chiến lược này.

Về phần mình, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) một lần nữa nhấn mạnh cam kết tiếp tục hợp tác có hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước, đồng hành cùng các ngân hàng trong quá trình phát triển kinh tế xanh, bền vững tại Việt Nam.

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1393/QĐ-TTg và ngày 24/3/2014 ký Quyết định 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực thi Chiến lược Tăng trưởng xanh. Thủ tướng cũng đã có Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và gần đây nhất là ngày 22/1/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT cụ thể hóa “Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam”.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chính sách và kế hoạch hành động để thúc đẩy các ngân hàng hỗ trợ phát triển bền vững và tăng trưởng xanh như Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh; Quyết định 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 phê duyệt Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực thi Chiến lược Tăng trưởng xanh của Chính phủ; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 thông qua “Đề án phát triển ngân hàng xanh” và đặc biệt là Quyết định 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 về Chương trình hành động vì sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng…

6 nguyên tắc cho hoạt động ngân hàng có trách nhiệm

Sáng kiến thiết lập “Nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm” của nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UN Environment Finance Initiative - UNEP FI) nhằm làm định hướng cho việc điều chỉnh “Chiến lược kinh doanh và quản trị ngân hàng” trên toàn cầu cho phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như đưa ra bộ công cụ đánh giá các tác động của hoạt động ngân hàng đến xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu, bảo đảm các hoạt động ngân hàng vì sự phát triển bền vững được giải trình và minh bạch đối với xã hội, khách hàng và các bên liên quan.

Mục tiêu:

Các nguyên tắc cho hoạt động ngân hàng có trách nhiệm sẽ gắn kết các ngân hàng với các mục tiêu của xã hội như được nêu tại Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận khí hậu Paris. Những nguyên tắc này tạo ra chuẩn mực toàn cầu về một ngân hàng có trách nhiệm và cung cấp hướng dẫn khả thi để đạt được điều này, đồng thời thúc đẩy tham vọng cũng như thách thức các ngân hàng tiếp tục gia tăng sự đóng góp của mình để hướng tới một tương lai bền vững. Các nguyên tắc sẽ giúp các ngân hàng nắm bắt cơ hội của một nền kinh tế và xã hội đang thay đổi của thế kỷ 21 bằng cách tạo ra giá trị cho cả xã hội và cổ đông, giúp ngân hàng xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và xã hội.

Đặc điểm:

Các nguyên tắc cung cấp cho ngành ngân hàng một khuôn khổ duy nhất, tích hợp tính bền vững ở cấp chiến lược, danh mục đầu tư, giao dịch và trải dài trên tất cả lĩnh vực kinh doanh. Thiết lập mục tiêu trong các lĩnh vực trọng yếu nhất là một đặc tính và tính năng chính của Bộ Nguyên tắc. Các ngân hàng được yêu cầu thiết lập và công bố các mục tiêu phù hợp với những mục tiêu của xã hội như được thể hiện tại Mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận khí hậu Paris và các khuôn khổ quốc gia có liên quan, trong các lĩnh vực mà họ có tác động tích cực và tiêu cực đáng kể nhất.

Các nguyên tắc yêu cầu các ngân hàng phải minh bạch, có trách nhiệm công khai về cả tác động tích cực lẫn tiêu cực, cũng như đóng góp của mình cho các mục tiêu xã hội và tiến độ trong việc thực hiện Bộ Nguyên tắc, lôi kéo sự quan tâm của các bên liên quan chính đối với các tác động này. Bộ Nguyên tắc được hỗ trợ bởi các hướng dẫn thực hiện nhằm đưa ra các chi tiết về cơ sở lý luận cho từng Nguyên tắc.

Nguyên tắc 1: Sự phù hợp

Chúng tôi sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình để phù hợp và đóng góp cho các nhu cầu cá nhân và các mục tiêu của xã hội như được nêu trong các Mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Khí hậu Paris và các khuôn khổ quốc gia và khu vực có liên quan. Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực tại các lĩnh vực mà chúng tôi có tác động đáng kể nhất.

Nguyên tắc 2: Tác động

Chúng tôi sẽ liên tục tăng các tác động tích cực của mình, đồng thời giảm các tác động tiêu cực, quản lý rủi ro đối với con người và môi trường phát sinh từ các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi.

Nguyên tắc 3: Khách hàng

Chúng tôi sẽ làm việc một cách có trách nhiệm với khách hàng của mình để khuyến khích các tập quán mang tính bền vững và cho phép thực hiện các hoạt động kinh tế tạo ra sự thịnh vượng chung cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nguyên tắc 4: Các bên hữu quan

Chúng tôi sẽ chủ động và có trách nhiệm tham khảo ý kiến, huy động và hợp tác với các bên hữu quan có liên quan để đạt được các mục tiêu xã hội.

Nguyên tắc 5: Quản trị và thiết lập mục tiêu

Chúng tôi sẽ thực hiện cam kết với bộ các nguyên tắc này thông qua quản trị hiệu quả và một văn hóa hoạt động ngân hàng có trách nhiệm, thể hiện tham vọng và trách nhiệm giải trình bằng cách đặt ra các mục tiêu công liên quan đến các tác động quan trọng nhất.

Nguyên tắc 6: Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Chúng tôi sẽ định kỳ rà soát việc thực hiện Bộ Nguyên tắc của các cá nhân, tập thể và sẽ minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình về các tác động tích cực và tiêu cực, cũng như đóng góp của chúng tôi cho các mục tiêu xã hội.

TS. Michael Krakowski, Giám đốc - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh của GIZ
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục