Nguyên tắc “bất động” khi gặp cướp ngân hàng

(ĐTCK) Trong hai thập niên qua, ngành ngân hàng Việt Nam phát triển với cấp số nhân về cả quy mô tổng tài sản, mức vốn chủ sở hữu, mạng lưới hoạt động và khối lượng nhân sự. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Song hành cùng sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng là sự nảy sinh của nhiều loại hình tội phạm về ngân hàng. Tuy nhiên có một dạng tội phạm đã trở thành truyền thống, gắn với lịch sử của ngành. Đó là cướp ngân hàng!

Xét dưới góc độ phân tích hành vi, “cướp” là hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực làm cho nạn nhân sợ đến mức tê liệt ý chí dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản. Chắc bạn đã phần nào biết về những vụ cướp ngân hàng qua những bộ phim của Hollywood. Tuy nhiên, đừng nên nghĩ rằng những vụ cướp như vậy chỉ có thể diễn ra ở một đất nước xa xôi nào đó. Bạn hãy hình dung điều rủi ro này có thể xảy ra ngay tại ngân hàng của mình. Vậy nếu gặp phải tình huống gặp cướp ngân hàng, bạn sẽ làm gì?

Cuối ngày giao dịch, một nhóm 5 người ăn vận lịch sự đi vào ngân hàng. 2 nhân viên bảo vệ đã nhanh chóng bị hạ gục và kiểm soát. 2 người trong nhóm đó, mỗi người cầm một túi xách và đặt lên bàn trước mặt giao dịch viên. Chúng ra lệnh giao dịch viên bỏ tiền vào túi xách. Giao dịch viên sẽ xử lý ra sao?

Nhiều ngân hàng đã tập huấn cho các giao dịch viên của mình nguyên tắc xử trí khi gặp cướp như sau: Tìm cơ hội tước vũ khí của đối tượng, tìm mọi cách khống chế đối tượng, bảo vệ tài sản của ngân hàng và liên lạc khẩn cấp với cơ quan công an gần nhất.

Thậm chí có nơi còn tổ chức các khóa học kỹ năng võ thuật để tăng cường khả năng tự vệ cho nhân viên. Để tăng cường, hầu hết ngân hàng trang bị hệ thống báo động kết nối với số điện thoại của các cơ quan công an gần nhất. Khi gặp cướp, giao dịch viên có thể nhấn nút báo động khẩn cấp để được hỗ trợ. Đây là điều mà một số ngân hàng mong muốn ở nhân viên của mình.

Nhưng giao dịch viên ngân hàng hãy quên ngay thứ nguyên tắc bất hợp lý và gây nguy hiểm này đi. Mọi kẻ cướp luôn có một đặc trưng là hành động quyết đoán và thường rất tàn độc. Không phải ngẫu nhiên mà trẻ em nhiều nước phương Tây được hướng dẫn kỹ năng căn bản khi gặp cướp là bất động.

Nguyên tắc “bất động” khi gặp cướp ngân hàng ảnh 1

 Hãy nhìn nhận việc có thể gặp cướp như một thứ rủi ro gắn kèm nghề nghiệp.

Chúng ta ai cũng đánh giá cao hành động chống trả cướp của những con người dũng cảm. Nhưng phần đông chúng ta chấp nhận một sự thực, coi tính mạng, sức khỏe của mình là sự ưu tiên hàng đầu để bảo vệ.

Vậy, kỹ năng thực sự cho mỗi giao dịch viên khi gặp phải những tên cướp là gì?

Trước hết, các bạn sẽ yên tâm hơn khi biết mình không hề sai phạm bất cứ quy định pháp luật nào nếu lựa chọn phương án xử trí “bất động”. Không có một quy định pháp luật nào bắt buộc giao dịch viên phải có hành động chống trả hay ngăn chặn những tên cướp. Cũng không có chế tài nào trừng phạt giao dịch viên vì bị đe dọa mà bất động, để cho những tên cướp chiếm đoạt tiền bạc của ngân hàng.

Còn trường hợp giao dịch viên buộc phải hợp tác theo yêu cầu của kẻ cướp khi hắn chĩa súng bắt giao dịch viên phải mở két lấy tiền? Vậy việc giao dịch viên vì bị đe dọa mà mở kho két, lấy tiền đưa cho kẻ cướp sẽ được pháp luật nhìn nhận thế nào? Đó được gọi là tình thế cấp thiết.

Theo luật định đó là tình thế bất đắc dĩ của một người phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình hoặc của người khác.

Tính mạng con người là một thứ không có giá trị tài sản nào có thể quy đổi. Cho nên, pháp luật cũng xác định việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại.

Sau khi đã rõ những giới hạn pháp lý, bạn có thể đã yên tâm hơn khi lựa chọn nguyên tắc bất động. Vậy nguyên tắc “bất động” là gì?

Trước hết hãy làm theo yêu cầu của kẻ cướp để bảo đảm an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và khách hàng.

Bạn nên tránh những hành vi có thể gây kích động cho kẻ cướp như chống cự lại. Việc cố nói cho khách hàng biết mình đang bị cướp hoặc kích hoạt hệ thống báo động, chạy ra khỏi ngân hàng... đều là những hành vi có thể gây kích động kẻ cướp, làm tăng độ nguy hiểm của chúng.

Ghi nhớ những diễn biến của vụ việc và ngay sau khi vụ cướp xảy ra hãy lập báo cáo, tường trình lại sự việc rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền và lãnh đạo ngân hàng.

Không ai muốn gặp phải kẻ cướp. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận việc có thể gặp phải cướp như một thứ rủi ro gắn kèm nghề nghiệp. Để rồi, bạn sẽ có giải pháp ứng xử phù hợp nhằm quản lý dạng rủi ro này.

Chi phí thiết thực và chi phí nghĩa vụ

Ngân hàng là một ngành kinh doanh dịch vụ. Do vậy, yếu tố nhân sự mang tính quyết định đến chất lượng, trình độ và khả năng phát triển của ngân hàng. Nếu một ngân hàng hạn chế tối đa chi phí về nhân sự, đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng bó hẹp năng lực nhân sự và khả năng phát triển của mình.

Ngược lại, nếu ngân hàng chấp nhận gia tăng chi phí nhân sự, đó là một trong những chỉ dấu ngân hàng này đang tăng cường nguồn nhân lực và hướng tới sự phát triển. Vấn đề là phương thức quản lý hiệu quả chi phí về nhân sự, thay vì hạn chế chi phí về nhân sự. Đó là tư duy của nhiều lãnh đạo ngân hàng.

Trong các chi phí về nhân sự, có thể phân ra thành những khoản chi thiết thực và những khoản chi nghĩa vụ. Thế nào là khoản chi thiết thực? Đó là những khoản chi mà cả ngân hàng và nhân viên ngân hàng đều nhận thấy rằng nó sẽ mang lại hiệu quả trong năng suất lao động và kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Nguyên tắc “bất động” khi gặp cướp ngân hàng ảnh 2

 Ảnh internet

Chẳng hạn chi lương, thưởng, đào tạo tập huấn nghiệp vụ, thậm chí chi cho cán bộ nhân viên đi nghỉ ngơi, vui chơi. Tất cả những khoản chi này đều trực tiếp mang lại sự cảm nhận rằng có ý nghĩa thiết thực cho nhân sự ngân hàng, để từ đó sự đền đáp của họ dành cho ngân hàng sẽ được phản hồi tích cực.

Tuy nhiên, trong các chi phí về nhân sự của ngân hàng, có những khoản chi nghĩa vụ. Đó là những khoản chi theo quy định của pháp luật. Pháp luật yêu cầu ngân hàng và nhân viên ngân hàng phải chi những khoản này, nên tính nghĩa vụ phát sinh từ đó. Điều đáng nói là các khoản chi nghĩa vụ này không hề nhỏ.

Theo tổng hợp các quy định liên quan của pháp luật, ngân hàng và nhân viên ngân hàng sẽ phải chi trả 35,5% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội cho các chi phí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, công đoàn phí. Trong đó ngân hàng phải chi trả 24% và nhân viên ngân hàng chi trả 11,5%.

Tính nghĩa vụ của các loại chi phí này đã rõ, bởi nếu không thực hiện, các bên có thể bị xử phạt hành chính, truy thu tiền đóng chi phí nghĩa vụ, truy thu tiền phạt, thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự. Vấn đề ở chỗ, khác với những khoản chi thiết thực, những khoản chi nghĩa vụ thường khiến ngân hàng và nhân viên ngân hàng không cảm nhận tin tưởng rõ ràng vào các quyền lợi trực tiếp cho việc đóng các loại chi phí này.

Nhận một khoản tiền lương, tiền thưởng từ ngân hàng, nhân viên ngân hàng có thể chuyển hóa nguồn tiền này trực tiếp vào tài sản của gia đình. Đóng một khoản tiền bảo hiểm xã hội, nhiều người lo âu về những yếu tố khác biệt trong sự phân biệt quyền lợi hưởng bảo hiểm giữa công dân và công chức, về sự bất định trong việc liên tục gia tăng tuổi đóng bảo hiểm xã hội…

Với ngân hàng cũng vậy, chi một đồng chi phí thiết thực cho nhân viên cũng là niềm vui sướng của nhiều lãnh đạo ngân hàng. Bởi ngân hàng kiểm soát và bảo đảm được quyền lợi trực tiếp cho nhân viên. Nhưng với những khoản chi nghĩa vụ, sự bảo đảm quyền lợi cho nhân viên của mình nằm ngoài khả năng kiểm soát của ngân hàng. Do vậy, ngân hàng và nhân viên ngân hàng thường không khó khăn để phân biệt đâu là những khoản chi thiết thực, đâu là những khoản chi nghĩa vụ trong chi phí nhân sự của ngân hàng.

Hợp lý hóa chi phí và rủi ro pháp lý

Theo quy định của pháp luật, các khoản chi phí nghĩa vụ chiếm tới 35,5% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của ngân hàng, bao gồm: 26% cho khoản chi bảo hiểm xã hội; 4,5% cho khoản chi bảo hiểm y tế; 2% cho khoản chi bảo hiểm thất nghiệp; 3% cho khoản chi công đoàn phí.

Trong cấu trúc thu nhập của người lao động tại nhiều ngân hàng, thường có sự phân tách các phần thu nhập để giảm bớt các khoản chi phí nghĩa vụ này. Một phần thu nhập sẽ được định nghĩa là phần thu nhập trong quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội, để xác định các chi phí nghĩa vụ. Phần thu nhập còn lại thuộc về người lao động và không tính vào quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội để tính các loại chi phí nghĩa vụ này. Lý do là không ai muốn đóng nhiều tiền cho các khoản chi phí mang tính nghĩa vụ mà theo họ có phần thiếu thiết thực.

Tuy nhiên, một rủi ro pháp lý đang đặt ra với ngân hàng là cần xác định thế nào là quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội? Theo quy định của pháp luật, cho đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động và từ năm 2018 trở đi, cộng thêm các khoản bổ sung khác. Như vậy, sự phân biệt không rõ ràng về kết cấu thu nhập người lao động, sẽ dẫn tới cách hiểu khác nhau về quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của ngân hàng.

Chẳng hạn, một số ngân hàng phân chia thu nhập của người lao động thành lương cơ bản, lương kinh doanh… Trước pháp luật, dù phân chia như vậy, toàn bộ thu nhập của người lao động vẫn bị xác định là lương. Một khi là lương, thì ngân hàng phải đóng đủ chi phí nghĩa vụ. Pháp luật chỉ miễn trừ việc đóng bảo hiểm xã hội cho những khoản thu nhập như tiền thưởng hiệu suất, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở và một số khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

Tuy nhiên, để được chấp nhận loại các khoản thu nhập dạng này ra khỏi quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội, ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện về mẫu biểu hợp đồng lao động, về quy chế tài chính, quy định nội bộ trong quản lý nhân sự… theo các điều kiện pháp lý liên quan.

Bị truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, các chi phí nghĩa vụ, bị xử phạt hành chính, bị áp lãi chậm nộp… thậm chí nghiêm trọng hơn, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 50 triệu đồng trở lên đã bị coi là   dấu hiệu hình sự theo Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là những nguy cơ hiển hiện đối với ngân hàng. Với quỹ lương khổng lồ của ngân hàng, rủi ro pháp lý về chi phí nhân sự này không thể không dự liệu.

Trích sách “Hiểu nghề Giữ nghiệp” - 30 bài học pháp lý Nghiệp vụ dành cho nghề Teller ngân hàng  của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục