Nguyên Chủ tịch UBCK: cần thanh lọc những hàng hóa kém chất lượng ra khỏi thị trường

(ĐTCK) Ông Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cộng đồng NĐT nước ngoài đã nêu ra nhiều vấn đề thị trường vốn Việt Nam đang yếu.
Ông Lê Văn Châu Ông Lê Văn Châu

Tuy nhiên, sẽ không đơn giản để có thể thực hiện được những thay đổi như khuyến nghị. 

Ông có nhận xét gì về việc nhiều khuyến nghị trước đây tiếp tục được các NĐT nước ngoài nhắc lại tại kỳ VBF này?

Tôi cho rằng, đó mới là các đề nghị cơ bản, họ còn có rất nhiều mong muốn chính sách mới. Tuy nhiên, đây là những kiến nghị quan trọng. Nếu chúng ta thực hiện được những vấn đề mà các NĐT nước ngoài kỳ vọng thay đổi, thị trường vốn sẽ có những bước tiến mạnh mẽ. Song như các bạn cũng biết, để thực hiện được các kiến nghị này, sẽ không đơn giản. Đơn cử việc nâng “room” cho các NĐT nước ngoài, ta đã bàn đến rất lâu rồi, nhưng giờ vẫn chưa thực hiện được. 

Ông nghĩ sao về đề xuất tăng hàng hóa cho thị trường?

Hiện trên 2 sàn có khoảng 700 DN niêm yết. Trong đó, có không ít DN hoạt động yếu kém, kinh doanh thua lỗ, quản trị DN có vấn đề. Bởi vậy, đây là một đề xuất phù hợp và chính đáng của nhà đầu tư.

Có thêm hàng hóa chất lượng, chắc chắn sẽ có thêm NĐT đến với TTCK Việt Nam.

Một mặt, cần tăng số lượng DN niêm yết từ nguồn DNNN sau cổ phần hóa, nhưng mặt khác, cũng cần thanh lọc những hàng hóa kém chất lượng ra khỏi thị trường. 

Một trong những cách tăng hàng hóa cho thị trường được các NĐT nhắc đến là Nhà nước cần bán bớt cổ phần tại các DN không cần nắm giữ tỷ lệ chi phối. Theo ông, trong bối cảnh sức cầu còn yếu, điều này có hợp lý?

Thời gian qua, có nhiều DNNN tiến hành cổ phần hóa, tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài chỉ khoảng 15%. Đây là tỷ lệ quá thấp, không khuyến khích các NĐT lớn tham gia mua cổ phần.

Việc bán ra nhiều hơn nữa số lượng cổ phần, giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là cần thiết. Nếu hàng hóa bán ra có chất lượng, thì lúc nào cũng có NĐT sẵn sàng bỏ tiền ra mua. 

Thế còn việc công khai danh sách hơn 400 DNNN sẽ cổ phần hóa thì sao, thưa ông?

Có lẽ, phải rất quyết tâm và mong muốn hoạt động cổ phần hóa được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì mới thực hiện được việc này.

Như tôi đã nói, nhiều đề nghị của các NĐT không mới, chúng được đưa ra nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Do đó, nếu không có sự quyết tâm và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, sẽ khó có thể có những thay đổi như cộng đồng NĐT kỳ vọng.

Thủy Nguyễn thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục