Bài 2: Công phu mưu kế đón lõng, thâu tóm 43 ha đất công
Nguyễn Đại Dương rủ bạn bè lập sẵn công ty đón lõng 43 ha đất công. Trong phi vụ này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị cáo buộc gây thiệt hại số tiền hơn 302 tỷ đồng.
Bước 1: Bố vợ “dọn đường”, con rể “đón” chủ trương
Nguyễn Đại Dương là con rể ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty 3-2. Năm 2010, dù Tổng công ty 3-2 chưa được giao 43 ha đất (năm 2012 mới được giao), nhưng được bố vợ thông tin, Dương kêu gọi bạn bè, gồm Nguyễn Quốc Hùng, Huỳnh Trung Nam, Dương Đình Tâm góp vốn lập Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) để cùng Tổng công ty 3-2 lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) thực hiện dự án trên khu đất 43 ha.
Nguyễn Đại Dương không đứng tên trong nhóm cổ đông sáng lập, giao cho Hùng làm đại diện pháp luật Công ty Âu Lạc, nhưng theo cơ quan công an, nhiều cổ đông sáng lập khai rằng, Dương đã thông qua ông Nguyễn Nam Thanh (Công ty Ford Thủ Đô), bà Nguyễn Quỳnh Châu (em gái Dương), bà Nguyễn Thục Anh (vợ Dương) và bà Nguyễn Thị Phong Lan (mẹ Dương) chuyển số tiền 24,2 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Âu Lạc. Dương còn nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và “trả công” cho ông này 4,5 tỷ đồng.
Sau đó, được chỉ đạo từ Dương, ngày 1/7/2010, với tư cách đại diện pháp luật Công ty Âu Lạc, Nguyễn Quốc Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty 3-2 thành lập liên doanh Công ty Tân Phú để thực hiện bước 1 của mưu kế là cùng thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha. Liên doanh này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty 3-2 góp 30% (60 tỷ đồng) và Công ty Âu Lạc góp 70% (140 tỷ đồng).
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, giá trị quyền sử dụng khu đất 43 ha tại thời điểm tháng 12/2016 là hơn 552,9 tỷ đồng, trong khi Nguyễn Văn Minh cùng đồng phạm chỉ bán với giá hơn 250,1 tỷ đồng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền trên 302,8 tỷ đồng.
Trong vụ việc này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị cáo buộc là cố tình chỉ đạo hợp thức hóa cho sai phạm, tức là gây thiệt hại tiếp hơn 302,8 tỷ đồng, chứ không chỉ hơn 761 tỷ đồng trong vụ áp giá đất lùi tới 6 năm đối với khu đất 43 ha và 145 ha.
Mực đen giấy trắng trong thỏa thuận hợp đồng là Liên doanh Công ty Tân Phú đồng ý hoàn trả chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng cho Tổng công ty 3-2 với giá 570.000 đồng/m2, song theo cơ quan điều tra, ông Minh và con rể Nguyễn Đại Dương đã khai, giá 570.000 đồng/m2 thực chất là giá bán đất, nhưng do Tổng công ty 3-2 chưa được giao đất, nên phải dùng chiêu “hoàn trả chi phí đền bù” để lách.
Để hợp thức hóa việc ký hợp đồng liên doanh ngày 1/7/2010, 7 ngày sau đó, Nguyễn Văn Minh lập tức triệu tập cuộc họp HĐQT Tổng công ty 3-2 để thống nhất ban hành Nghị quyết về hợp tác liên doanh xây dựng dự án. Trên cơ sở đó, 13 ngày sau, ông Minh ký Công văn 77/CV.CTy ngày 21/7/2010 gửi Văn phòng và Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xin chủ trương hợp tác với Công ty Âu Lạc để lập liên doanh, đầu tư xây dựng dự án.
Ngày 17/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Công văn 1830-CV/TU do ông Vũ Minh Sang, Phó bí thư Tỉnh ủy ký đồng ý chấp thuận theo đề nghị của Tổng công ty 3-2.
Ngày 9/9/2010, Công ty Tân Phú được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Âu Lạc làm Giám đốc.
Ngày 25/10/2010, ông Minh chỉ đạo cấp dưới trả Công ty Âu Lạc 60 tỷ đồng đặt cọc trước đó, để công ty này góp vốn 60 tỷ đồng vào Công ty Tân Phú, đồng thời Tổng công ty 3-2 góp 1,5 tỷ đồng vào liên doanh.
Tháng 1/2011, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 206/UBND-KTTH kiến nghị điều chỉnh chức năng “Khu dịch vụ” thành “Khu dịch vụ thương mại - đô thị dân cư cao cấp” và điều chỉnh cơ cấu sử dụng hơn 563 ha mà Bình Dương giao Tổng công ty 3-2. Tất nhiên, việc điều chỉnh có cả khu đất 43 ha. Bộ Xây dựng đã thống nhất tại Văn bản số 1804/BXD-KTQH ngày 25/1/2011.
Sau đó, ngày 29/8/2011, Tổng công ty 3-2 đã đề xuất và được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý tại Văn bản số 3736/UB-KT ngày 12/12/2011 giao Sở Xây dựng cùng Tổng công ty 3-2, Công ty Tân Phú điều chỉnh và lập quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Tân Phú.
Tháng 2/2013, Tổng công ty 3-2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi chỉ phải nộp hơn 5 tỷ đồng tiền sử dụng đất 43 ha, thay vì phải nộp 111,3 tỷ đồng, nhờ được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt áp giá lùi 6 năm.
Bước 2: “Cài cắm” nhau vào tình huống đã rồi
Để phòng ngừa các tình huống khác phát sinh, ngay trong Hợp đồng thỏa thuận hợp tác liên doanh ngày 1/7/2010, Công ty Âu Lạc và Tổng công ty 3-2 đã thống nhất “gài” nội dung: Tổng công ty 3-2 phải đảm bảo việc bàn giao toàn bộ khu đất để liên doanh nắm chủ quyền hợp pháp.
Tới năm 2016, thực hiện cổ phần hóa, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Văn bản 407-CV/TU yêu cầu Tổng công ty 3-2 phải bàn giao khu đất 43 ha về Công ty Impco (100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy làm chủ sở hữu).
Nguyễn Văn Minh cho người báo tin cho Nguyễn Quốc Hùng biết. Lập tức Hùng làm văn bản đề nghị Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43 ha cho liên doanh Công ty Tân Phú theo thỏa thuận trước đó mà 2 bên đã thống nhất tại hợp đồng hợp tác liên doanh.
Đồng thời với đề nghị “cho có lý” trên của Hùng, con rể ông Minh là Nguyễn Đại Dương đã trực tiếp thỏa thuận với bà Đặng Thị Kim Oanh (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM - Công ty Kim Oanh) rồi ký hợp đồng hứa mua, hứa bán vốn góp số 77/2016-HĐHMHB vào ngày 19/8/2016 giữa Công ty Âu Lạc và Công ty Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thuận, chồng bà Oanh làm đại diện). Hợp đồng này có nội dung: Công ty Thuận Lợi mua lại toàn bộ Dự án Khu dân cư - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú với giá 350 tỷ đồng bằng hình thức mua 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú. Công ty Âu Lạc cam kết nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty 3-2 tại Công ty Tân Phú để chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Thuận Lợi, nếu không thực hiện sẽ bồi thường 800 tỷ đồng.
Tại thời điểm trên, khu đất 43 ha vẫn thuộc sở hữu nhà nước và Công ty Âu Lạc chưa nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty Tân Phú (Tổng công ty 3-2 vẫn đang nắm 30% vốn điều lệ), tức là Tổng công ty 3-2 không được phép chuyển nhượng. Đồng thời, theo Công văn 407-CV/TU ngày 29/7/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương, Tổng công ty 3-2 Bình Dương chỉ tạm thời quản lý để bàn giao cho Công ty Impco.
Nhưng do đã tính liệu trước, cùng với việc biết rõ con rể đã thỏa thuận chuyển nhượng cho Công ty Thuận Lợi, nên ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh đã triệu tập và tổ chức cuộc họp Hội đồng Thành viên Tổng công ty 3-2, thống nhất chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú với giá 570.000 đồng/m2 theo giá đã thống nhất tại hợp đồng thỏa thuận ngày 1/7/2010.
Ngày 8/12/2016, Nguyễn Văn Minh đại diện Tổng công ty 3-2 trực tiếp ký hợp đồng bán đứt 43 ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng. Đến ngày 1/3/2017, Công ty Tân Phú mới thanh toán cho Tổng công ty 3-2 số tiền 140 tỷ đồng, nhưng ông Minh vẫn yêu cầu cấp dưới thực hiện các thủ tục để ngày 1/3/2017, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Bình Dương xác nhận thay đổi chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 43 ha từ Tổng công ty 3-2 đang quản lý sang Công ty Tân Phú.
Bước 3: Hợp thức hóa mưu sách
Bán đứt đất, nhưng vẫn nắm giữ 30% vốn điều lệ tại liên doanh, tức quyền quyết 43 ha đất vẫn chưa trọn vẹn trong tay Công ty Âu Lạc do con rể đứng sau lập ra “đón lõng”, ngày 13/3/2017, Nguyễn Văn Minh ký Công văn 39/TCTy xin ý kiến Tỉnh ủy Bình Dương cho chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty 3-2 cho Công ty Âu Lạc với lý do “để doanh nghiệp toàn quyền 100% dự án nhằm thuận lợi triển khai”.
Cũng tại văn bản này, về việc bán 43 ha đất, Tổng công ty 3-2 lại nói chỉ “chuyển giao khu đất” nhằm “thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản giao khu đất 43 ha”.
Tỉnh ủy Bình Dương có Thông báo 287-TB/TU ngày 20/4/2017 đồng ý. Ngày 2/8/2017, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Trần Nguyên Vũ ký hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá hơn 161,1 tỷ đồng. Trong khi Công ty Âu Lạc chưa thanh toán bất kỳ khoản tiền nào, ngày 17/8/2017, ông Minh vẫn chỉ đạo Vũ ký văn bản xác nhận 2 bên đã hoàn tất thanh toán.
Ngày 25/9/2017, Nguyễn Quốc Hùng làm các thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi loại hình doanh nghiệp Công ty Tân Phú từ công ty TNHH hai thành viên (Tổng công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc) thành công ty TNHH một thành viên do Công ty Âu Lạc làm chủ sở hữu nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sau đó, Nguyễn Đại Dương và Nguyễn Quốc Hùng ký hợp đồng chuyển nhượng 50% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty A Đông Hải vào ngày 2/10/2017. Công ty A Đông Hải đổi tên thành Công ty Kim Oanh và tiếp tục mua lại 50% vốn góp còn lại.
Ngày 14/3/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 5, theo đó, chủ sở hữu Công ty Tân Phú là Công ty Kim Oanh, nghĩa là 43 ha Dự án Khu dân cư - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú chính thức rơi vào tay tư nhân.
(Còn tiếp)