Do đó, ngân hàng đứng trước nguy cơ mất vốn từ những hợp đồng thế chấp nhà đất nếu “lờ” đi yếu tố “đồng sở hữu”tại sổ hộ khẩu.
Hầu hết nhà băng sẽ ưu ái cấp tín dụng có tài sản đảm bảo và bất động sản là ưu tiên hàng đầu khi nhận tài sản thế chấp. Tuy nhiên, dạng tài sản đảm bảo này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là bất động sản đồng sở hữu. Hoạt động xét xử tại tòa án cho thấy, nhiều hợp đồng thế chấp đứng trước nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Ngân hàng viện dẫn nhiều lý do mong có thể thu hồi vốn, song khó được chấp thuận.
Vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại diễn ra mới đây mà nguyên đơn là một ngân hàng thương mại chờ xem xét ở giai đoạn phúc thẩm là minh chứng. Do bị tòa cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu 3 hợp đồng thế chấp (gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc hộ gia đình), nhà băng này đã kháng án để đòi nợ số tiền hơn 13 tỷ đồng. Trong trường hợp bị đơn không trả được nợ, ngân hàng đề nghị được xử lý toàn bộ số tài sản thế chấp nêu trên.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã nhận định, tuy không có văn bản pháp luật nào quy định sổ hộ khẩu là căn cứ xác định số lượng thành viên trong hộ, song hiện nay, sổ hộ khẩu vẫn là một loại căn cứ pháp lý đang được áp dụng thống nhất trong cả nước để quản lý hành chính nhằm xác định số lượng hộ gia đình, cũng như các thành viên trong hộ. Con cái được khai sinh nhập khẩu vào hộ khẩu gia đình đúng thủ tục hành chính đương nhiên là thành viên của hộ gia đình đó. Do vậy, việc ngân hàng “lờ” đi các thành viên khác trong hộ gia đình tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp là vi phạm quy định pháp luật.
Trong khi đó, lập luận của ngân hàng trong đơn kháng cáo thể hiện sự trái chiều.
Ngân hàng cho rằng, giấy cho tặng thể hiện chủ sở hữu được thừa kế quyền sử dụng đất từ đời cha mẹ và không đề cập tới thế hệ sau (tức là đời con cái). Căn cứ vào cơ sở xác lập quyền sở hữu đối với tài sản này là việc tặng, cho tài sản. Ngân hàng mặc nhiên rút ra kết luận, nhà đất trên không phải là tài sản đồng sở hữu. Do đó, khi ký hợp đồng thế chấp, ngân hàng bỏ qua những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Trong hợp đồng khác, ngân hàng cũng khẳng định, dựa vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, những người trong hộ gia đình không phải là đồng sở hữu đối với tài sản.
Trong một vụ việc tương tự, ngân hàng đã không đưa người vợ vào hợp đồng thế chấp, dẫn đến hợp đồng không được tòa án chấp thuận. Bản án bị trả lại cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Khái niệm “hộ gia đình” đã được nêu chi tiết trong Bộ luật Dân sự. Đó là, các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.
Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự. Các giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.
Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.
Điều 109, Bộ luật Dân sự cũng quy định, việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.
Tại Điều 16, Quy định 217 của Ngân hàng Nhà nước, tài sản thế chấp thuộc sở hữu của nhiều người (từ 2 người trở lên) phải được cam kết bằng văn bản của những người đồng sở hữu đồng ý giao cho người đại diện vay vốn và ký hợp đồng thế chấp. Tài sản thế chấp của hộ gia đình phải có cam kết của những thành viên đồng sở hữu trong gia đình.
Ngân hàng phải đánh giá, kiểm định để xác định số lượng, giá trị tài sản thế chấp tại thời điểm ký hợp đồng.