Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu tăng vọt do cú sốc thuế quan của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo phần lớn các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters, rủi ro nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay và thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ gây tổn hại đến tâm lý kinh doanh.
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu tăng vọt do cú sốc thuế quan của Mỹ

Chỉ ba tháng trước, cùng một nhóm các nhà kinh tế từ gần 50 quốc gia đã dự kiến ​​nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức mạnh mẽ và ổn định. Nhưng động thái nhằm định hình lại thương mại thế giới của Tổng thống Trump bằng cách áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ đã gây chấn động khắp các thị trường tài chính, thổi bay hàng nghìn tỷ đô la vốn hoá thị trường chứng khoán và làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào tài sản của Mỹ, bao gồm cả đồng đô la như một nơi trú ẩn an toàn.

Mặc dù Tổng thống Trump đã tạm hoãn mức thuế quan đối ứng áp dụng đối với hầu hết các đối tác thương mại trong vài tháng, nhưng mức thuế cơ sở 10% vẫn được duy trì, cũng như mức thuế 145% đối với Trung Quốc.

"Sẽ là điều khó khăn cho các công ty khi nghĩ về tháng 7 trong bối cảnh họ không biết mức thuế quan đối ứng sẽ là bao nhiêu. Hãy thử lên kế hoạch cho một 1 nữa. Ý tôi là, ai biết được nó sẽ như thế nào, chứ đừng nói đến năm 5 nữa", James Rossiter, giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu tại TD Securities cho biết.

Đối mặt với tình hình bất ổn gia tăng và mức thuế quan cao kỷ lục đối với hàng hóa, nhiều doanh nghiệp toàn cầu đã cắt giảm dự báo doanh thu.

Trong khi đó, phần lớn các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025, đưa mức trung bình từ 3% xuống còn 2,7% trong cuộc khảo sát vào tháng 1. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng ở mức 2,8%.

"Đây là một môi trường rất khó để lạc quan về tăng trưởng", Timothy Graf, giám đốc chiến lược vĩ mô khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại State Street cho biết.

"Chúng ta có thể xóa bỏ thuế quan ngay hôm nay và nó vẫn gây ra khá nhiều thiệt hại, chỉ xét riêng theo quan điểm của Mỹ với tư cách là một bên đáng tin cậy trong các thỏa thuận song phương và đa phương, từ thương mại đến phòng thủ chung", ông cho biết thêm.

Hơn nữa, tiến trình mà các ngân hàng trung ương đã đạt được trong vài năm qua trong việc kiềm chế đợt tăng lạm phát toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ bằng cách tăng lãi suất liên tiếp cũng được dự kiến ​​sẽ bị đình trệ do thuế quan, mà các nhà kinh tế đều có quan điểm đồng thuận cho rằng là nguyên nhân gây ra lạm phát.

"Việc cắt đứt đối tác thương mại lớn nhất... sẽ gây ra đủ mọi thứ khó lường và không mấy tốt đẹp đối với lạm phát, và điều đó sẽ có đủ mọi tác động tiêu cực đến thu nhập thực tế và cuối cùng là nhu cầu…Đây là tình huống mà khả năng chúng ta bước vào môi trường đình lạm cao hơn", ông Timothy Graf cho biết.

Trong đó, tình trạng đình lạm thường được định nghĩa là một giai đoạn kéo dài của không tăng trưởng hoặc tăng trưởng thấp, lạm phát cao và thất nghiệp gia tăng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục