Nguy cơ kinh tế Đức giảm tăng trưởng do khủng hoảng ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên TTXVN tại Berlin trích dẫn báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW) công bố ngày 13/12 cho thấy nền kinh tế Đức có thể giảm 0,5% trong năm 2024 do những bất ổn mà cuộc khủng hoảng ngân sách của chính phủ vừa qua gây ra.
Dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Porsche ở Stuttgart, miền Nam Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Porsche ở Stuttgart, miền Nam Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Các nhà nghiên cứu của IW cho biết phán quyết của Tòa án Hiến pháp hồi giữa tháng trước về việc Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng khoản tín dụng 60 tỷ euro (65 tỷ USD) từ quỹ đại dịch COVID-19 sang quỹ khí hậu là vi hiến đã làm đảo lộn các kế hoạch tài chính của chính phủ, dẫn đến nhiều tuần đàm phán gay gắt về kế hoạch ngân sách năm 2024 và gây ra nhiều bất ổn, đặc biệt trong giới doanh nghiệp.

Giám đốc IW Michael Huether nhấn mạnh: "Chính phủ Đức đóng vai trò quyết định trong cuộc khủng hoảng này. Liên minh cầm quyền giờ phải chứng minh khả năng hành động trong chính sách tài khóa".

IW nhận định bất đồng về ngân sách liên bang đã khiến các công ty lo lắng, nhiều công ty trì hoãn các quyết định đầu tư của họ trong thời điểm hiện tại.

Ngày 13/12, Viện Kinh tế Thế giới (IfW) cũng dự đoán rằng chỉ riêng các giải pháp ngân sách hợp nhất do hậu quả của phán quyết ngân sách của tòa án sẽ kéo tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2024 giảm 0,3 điểm phần trăm, do những bất chắc về tác động kinh tế của chúng. IfW hiện dự đoán mức tăng trưởng kinh tế Đức năm 2024 là 0,9% thay vì 1,3% như dự đoán hồi tháng Chín.

Theo tính toán của viện IW, chi tiêu chính phủ sẽ bị cắt giảm hơn 20 tỷ euro vì phán quyết của tòa án, kéo GDP giảm 0,5%. Viện này cho biết, trong trường hợp xấu nhất, mức giảm có thể lên đến 1 điểm phần trăm.

Theo IW, sau khi GDP giảm 0,5% trong năm nay, dự kiến năm tới kinh tế Đức sẽ phục hồi. Viện này cho biết trong 70 năm qua, GDP thực tế của Đức chỉ giảm trong hai năm liên tiếp là 2002 và 2003.

Trong khi kinh tế Đức suy thoái, các nền kinh tế lớn khác dự kiến tăng trưởng, như Italy 0,5%, Pháp 0,8%, Mỹ 1,3% và nền kinh tế toàn cầu 2,5%.

Ngay cả nếu không có khủng hoảng ngân sách, theo IW, mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu của Đức vẫn phải chịu sức ép. Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1% vào năm 2024, sau khi giảm 1,5% năm 2023 và đây cũng sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành xây dựng vì lãi suất cao. Theo IW, chỉ có lĩnh vực dịch vụ mới có mức tăng nhẹ.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục