Nguy cơ khủng hoảng nợ gia tăng trở lại ở Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa đầy một năm sau cuộc khủng hoảng nợ làm rung chuyển Hàn Quốc, mối lo ngại đang gia tăng rằng việc cho vay lãi suất cao tại các tổ chức tín dụng có nguy cơ gây ra tình trạng khó khăn trở lại.
Nguy cơ khủng hoảng nợ gia tăng trở lại ở Hàn Quốc

Một chi nhánh của một trong những tổ chức tín dụng lớn nhất Hàn Quốc, Liên đoàn Hợp tác xã tín dụng cộng đồng Hàn Quốc (KFCC) hay còn được biết đến là Hợp tác xã tín dụng cộng đồng MG (MGCCC) đã đóng cửa vào tháng trước khi báo cáo khoản lỗ 60 tỷ won (45 triệu USD) đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản. Điều này đã dẫn tới việc người dân đổ xô rút tiền ra khỏi MGCCC vì lo ngại nợ xấu liên quan đến các dự án bất động sản tăng mạnh.

Một dấu hiệu cho thấy ngày càng có nhiều người đi vay gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ với lãi suất tăng, đó là tỷ lệ nợ quá hạn của MGCCC đã tăng lên 6,18% vào cuối tháng 6 từ mức 3,59%/năm vào cuối năm ngoái.

Rắc rối tín dụng của Hàn Quốc phản ánh những thách thức rộng lớn hơn từ Mỹ đến châu Âu và sang Đông Nam Á khi các ngân hàng trung ương gấp rút tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng. Điều đó làm tăng chi phí cho những người vay để tái cấp vốn cho khoản nợ mà họ đã đẩy mạnh trong thời kỳ bùng nổ bất động sản trong giai đoạn tiền rẻ.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ bất động sản đang ngày càng trầm trọng khi bước sang năm thứ tư sau khi các quan chức bắt đầu kiềm chế việc đi vay quá mức. Trên toàn cầu, sự bi quan đối với thị trường bất động sản có nguy cơ cản trở các khoản đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách ở Hàn Quốc đã hành động để ngăn chặn rắc rối của các liên đoàn hợp tác xã lan rộng, với việc ngân hàng trung ương và chính quyền tổng thống Yoon Suk Yeol đã cung cấp hơn 100 tỷ USD hỗ trợ cho thị trường tín dụng và bất động sản. Điều đó đã giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, nhưng việc tăng lãi suất cho vay của một số ngân hàng gần đây là một dấu hiệu của mối lo ngại kéo dài.

Park Sunyoung, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Dongguk cho biết, vấn đề của một số hợp tác xã tín dụng đã “thể hiện sự thất bại hoàn toàn của chính phủ và các cơ quan quản lý tài chính trong việc giám sát rủi ro tín dụng. MGCCC có thể có rủi ro thất bại cao nhất liên quan đến tài trợ dự án do các khoản cho vay tăng nhanh trong thời kỳ bùng nổ bất động sản ở đỉnh điểm năm 2020”.

Lee Tal Ho, phát ngôn viên của MGCCC cho biết, MGCCC dự kiến tỷ lệ nợ quá hạn sẽ giảm trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 vì họ đang bán các khoản vay cho các công ty thu hồi nợ chuyên nghiệp và đang thắt chặt việc xem xét điều kiện cho vay.

Theo dữ liệu của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), trong tổng số 201.000 tỷ won đã cho vay, các tổ chức cho vay đã thực hiện 56.400 tỷ won các khoản vay liên quan đến bất động sản và 15.800 tỷ won nợ tài trợ dự án kể từ đầu năm. Các nhà đầu tư đang xem liệu các khoản vay tài trợ cho dự án có được hoàn trả hay không vì những khó khăn về tài trợ do lãi suất tăng và thị trường bất động sản suy yếu đã gây ra cuộc khủng hoảng năm 2022 khi nhà phát triển công viên giải trí Legoland không thể đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán.

Quy mô tuyệt đối của những tổ chức tín dụng càng làm tăng rủi ro khi hơn 1.200 chi nhánh của MGCCC nằm rải rác khắp nơi và hơn 40% dân số Hàn Quốc sử dụng dịch vụ của họ mỗi năm. Tổng tài sản của MGCCC đã tăng gần gấp ba trong thập kỷ qua lên 284.000 tỷ won vào năm ngoái, do lợi ích về thuế và lãi suất cao hơn tiền gửi ngân hàng đã thu hút các nhà đầu tư.

MGCCC lớn như thế nào?

Các MGCCC gần như có quy mô tương đương với một số ngân hàng lớn nhất của Hàn Quốc. Họ có 260.000 tỷ won tiền gửi theo số liệu vào cuối tháng 6, so với 380.000 tỷ won tại Ngân hàng KB Kookmin.

Cấu trúc của các hợp tác xã tín dụng có thể làm tăng thêm các vấn đề của họ. Mỗi chi nhánh là một thực thể pháp lý riêng biệt, ngăn ngừa rắc rối tại một chi nhánh làm sụp đổ toàn bộ hệ thống, nhưng điều đó sẽ không ngăn được khách hàng rút tiền gửi nếu họ lo lắng về những gì đang xảy ra tại các chi nhánh khác.

Câu chuyện về MGCCC đan xen với quá trình phục hồi sau Chiến tranh Triều Tiên. MGCCC được thành lập vào năm 1963 tại một làng nông nghiệp có tên Hadun. MG là viết tắt của các từ tiếng Hàn có nghĩa là “kho tiền ngân hàng làng mới”.

Nhiệm vụ xây dựng lại các nền kinh tế khu vực bị chiến tranh tàn phá thông qua làm việc chăm chỉ và tự lực đã sớm nhận được sự chú ý của chính quyền quân sự với các mục tiêu chính sách bao gồm giành chiến thắng trong cuộc đua với Triều Tiên để vực dậy nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách đã cho phép MGCCC nhận tiền gửi và cho vay, đồng thời thành lập trụ sở tại Seoul để hỗ trợ mở rộng hoạt động cho vay và bảo hiểm. MGCCC tài trợ cho các dự án như nhà trẻ, trung tâm nghệ thuật và thể thao cũng như ủng hộ các gia đình thuộc tầng lớp lao động và các cửa hàng nhỏ lẻ.

MGCCC tiếp tục làm ăn phát đạt sau khi chính quyền quân sự sụp đổ để nhường chỗ cho các cuộc bầu cử dân chủ vào những năm 1980. Hiện họ có gần 30.000 nhân viên và là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất quốc gia.

Sự hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho MGCCC đã phản ánh mối lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng tín dụng khác có thể gây ra thiệt hại cho các hộ gia đình. Tổ chức tín dụng này cũng nắm giữ một phần lớn tài sản trong các sản phẩm phi tài chính như bất động sản, chiếm 64,4% tổng số vào năm 2021, nhiều hơn so với 28,5% của Mỹ và 37% ở Nhật Bản vào năm 2020.

Các biến chứng của Jeonse

Hầu hết các bất động sản mà người Hàn Quốc nắm giữ được tài trợ bằng các khoản vay với lãi suất thả nổi, do đó sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn nếu lãi suất tiếp tục tăng. Hàn Quốc cũng có một phương thức cho thuê gọi là jeonse, trong đó những người thuê nhà cung cấp cho chủ nhà các khoản tiền đặt cọc một lần, và chúng thường được đầu tư trở lại vào bất động sản nên có nguy cơ mất khả năng hoàn trả nếu giá bất động sản sụt giảm.

Hàn Quốc có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội cao nhất thế giới ở mức 157% nếu tính cả khoảng 800 tỷ USD theo hình thức jeonse.

Các nhà hoạch định chính sách đã hành động để trấn an các nhà đầu tư sau khi một chi nhánh của MGCCC bị đóng cửa. BOK đã tăng cường các biện pháp dự phòng cho ngành tài chính vào ngày 27/7 khi cung cấp khoảng 190.000 tỷ won để hỗ trợ khẩn cấp nếu cần thiết trước nguy cơ rút tiền của các ngân hàng xảy ra dưới hình thức trực tuyến.

Chính quyền tổng thống Yoon Suk Yeol đã dỡ bỏ một loạt các quy định đặt ra trước đó nhằm chống lại hoạt động đầu cơ bất động sản và triển khai chương trình cho vay 40.000 tỷ won dành cho những người mua nhà tiềm năng.

Yoon Yeo-sam, nhà phân tích tại Meritz Securities cho biết: “Thời điểm quan trọng đối với BOK đang đến. Họ nên đóng vai trò kiểm soát chính phủ và cảnh báo về sự gia tăng nợ hộ gia đình vì sợ rằng những nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn rủi ro sẽ dẫn đến nhiều rủi ro đạo đức và các khoản vay tài trợ dự án”.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục