Đối với NĐT bán chứng khoán, tiền chỉ được chuyển về tài khoản vào ngày T+3, nên khi NĐT cần ứng tiền bán trước, họ phải trả lãi suất vay cho CTCK, cao hơn nhiều lần lãi suất vay ngân hàng. Như vậy, CTCK có thể được hưởng lợi kép nhờ quy định về giao dịch và thanh toán trong trường hợp CTCK mở một tài khoản tổng tại ngân hàng.
Một vấn đề khác là nhiều CTCK đưa ra những gói sản phẩm để giúp NĐT lớn mua chứng khoán có thể nộp tiền chậm T+2, với một khoản phí nhất định. Số tiền nộp chậm có thể lên tới hàng tỷ đồng. Lợi dụng việc này, NĐT lớn có thể đặt mua hoặc câu kết với một số NĐT lớn khác đặt mua số lượng lớn cổ phiếu nhằm tạo chênh lệch cung cầu, tác động đến tâm lý NĐT khác để giá cổ phiếu diễn biến theo ý muốn nhằm trục lợi. Tất nhiên, trong trường hợp này, họ đặt mua với mức giá làm sao để lệnh ít có khả năng được khớp nhất.
Là NĐT cá nhân, tôi cảm thấy việc CTCK thu tiền trước khi mua chứng khoán, rồi lại tính lãi suất cao khi NĐT ứng trước tiền bán chứng khoán sẽ gây thiệt thòi cho NĐT. Theo tôi, NĐT nộp tiền vào tài khoản trước khi mua chứng khoán, CTCK nên phép họ ứng trước tiền bán chứng khoán mà không phải chịu chi phí, nếu có thì phải ở mức hợp lý (thấp hơn lãi suất ngân hàng).
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc chuyển tài khoản của NĐT tại CTCK sang ngân hàng quản lý, trong đó tài khoản của NĐT phải tách biệt với tài khoản của CTCK, tránh nguy cơ CTCK trục lợi.