Nguy cơ chiến tranh thương mại khi Mỹ trừng phạt Nga

EU cảnh báo có thể trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Nga, nếu nó ảnh hưởng đến các công ty châu Âu.
Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp tại G20. Ảnh: AFP

Dự luật trừng phạt Nga đã được Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước và chỉ chờ Tổng thống Donald Trump ký là chính thức có hiệu lực.

Dự luật dài 184 trang nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng.

Lệnh trừng phạt sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức đến nhiều dự án chung của Nga - EU, như dự án đường ống Nordstream II. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức - Briggette Zypries ám chỉ khả năng một cuộc chiến thương mại giữa Anh và EU sẽ nổ ra, nếu việc này ảnh hưởng đến các công ty châu Âu.

"Việc đáp trả các lệnh trừng phạt là có khả năng. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã thấy trước được điều này", bà Zypries cho biết trên kênh ARD.

Nhật báo Đức - Die Welt thì cho rằng phản ứng của Berlin với các lệnh trừng phạt Nga sẽ "rất khắc nghiệt" và giới chức Đức nên sẵn sàng cho "một cuộc chiến thương mại" nếu cần thiết.

Die Welt cũng trích lời Michael Harms - Giám đốc Ủy ban về Quan hệ Kinh tế Đông Âu tại Đức cho rằng các biện pháp của Mỹ nhằm thúc đẩy lợi ích của riêng nước này về lĩnh vực năng lượng.

"Các lệnh trừng phạt về dự án đường ống được đưa ra nhằm tăng xuất khẩu năng lượng từ Mỹ sang châu Âu, tạo việc làm tại Mỹ và củng cố chính sách ngoại giao của Mỹ", ông nhận xét.

EU cũng có các lệnh trừng phạt lên Nga từ năm 2014, quanh vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Dù vậy, Nga vẫn là đối tác thương mại lớn của khối này. Xuất khẩu của Đức sang Nga được dự báo tăng 20% năm nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức - Sigmar Gabriel cuối tuần trước cũng chỉ trích quyết định này của Quốc hội Mỹ. "Quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ có tác động tiêu cực lên công ty châu Âu.

Tổng thống Trump biết điều đó. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vậy. Các chính sách trừng phạt không phải là công cụ thích hợp để tăng lợi ích xuất khẩu và củng cố ngành năng lượng quốc gia".

Áo cũng có lập trường tương tự. Chủ tịch Phòng Thương mại Áo - Christoph Leitl khẳng định "Châu Âu sẽ không để việc này diễn ra". Ông cho rằng người Mỹ muốn phá quan hệ kinh tế giữa Nga và châu Âu, để thúc đẩy lợi ích của chính họ về thương mại, kinh tế và năng lượng.

"Nếu các lệnh trừng phạt này được thực hiện, châu Âu chắc chắn sẽ đoàn kết chống lại", ông tuyên bố.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục