Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, điều kiện kinh doanh hiện vẫn còn “chằng chịt” trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của Việt Nam. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh đang được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Trong số này, có gần 3.000 điều kiện được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền. Đặc biệt, điều rất đáng lo ngại là sau khi Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua, nhiều bộ, ngành tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.
Trong khi đó, việc rà soát xem xét kiến nghị loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện triển khai rất chậm và thiếu thực chất.
“Các bộ, ngành dường như đang nâng các quy định từ cấp thông tư lên thành nghị định một cách máy móc cơ học và vẫn giữ nguyên tính chất của quy định, chưa đánh giá về tính hợp lý và hiệu quả của các quy định về điều kiện kinh doanh”, ông Lộc nói và cho biết, hiện có 16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục của Luật Đầu tư chưa có văn bản quy định về điều kiện kinh doanh
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia luật bày tỏ quan ngại về khả năng một số cơ quan quản lý sẽ cài thêm các điều kiện kinh doanh không phù hợp trong quá trình hoàn tất các dự thảo nghị định theo quy trình rút gọn, dẫn tới hệ quả là nhiều điều kiện kinh doanh biến tướng trong các thông tư được đưa vào nghị định, ban hành và có hiệu lực từ 1/7 tới.
Ông Nguyễn Am Hiểu, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đặt vấn đề, liệu có nên nâng cấp các thông tư lên nghị định, khi mà dự thảo hiện nay tồn tại nhiều bất cập?
“Nếu đưa vấn đề thành nguyên tắc để áp dụng đối với tất cả thì vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với Việc Nam - một quốc gia đang chuyển đổi, nhiều vấn đề các cơ quan của Chính phủ phải xử lý tình huống”, ông Hiểu nói và cho rằng, không nên luật hóa những vấn đề xử lý tình huống, nhất là những vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều.
Theo ông Hiểu, cần có một cơ chế phản biện và chứng minh cho những điều kiện kinh doanh đã và đang được đặt ra, đồng thời nên áp dụng nguyên tắc áp dụng luật phổ biến trên thế giới là trong trường hợp chưa có nghị định mới thì tới thời hạn 1/7/2016, doanh nghiệp có quyền áp dụng nghị định cũ có lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, trừ trường hợp nghị định cũ trái với luật đã có hiệu lực.
Còn theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu, cần phải kiểm soát và công khai các thông tin liên quan đến 49 dự thảo nghị định mà các bộ, ngành đang hoàn tất và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành. Trong đó, ít nhất là công khai cụ thể số lượng điều kiện kinh doanh sẽ bãi bỏ, điều kiện kinh doanh được sửa đổi, giữ lại và điều kiện kinh doanh mới thêm vào để đảm bảo các điều kiện kinh doanh quy định tại các nghị định ban hành là phù hợp và tránh tình trạng các bộ, ngành “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi tự rà soát, sửa đổi chính các quy định của mình.