Nguồn nhân lực - yếu tố tạo sự khác biệt của các ngân hàng

(ĐTCK) Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay, công nghệ là yếu tố quan trọng đối với mọi ngành, lĩnh vực. Nhưng riêng với hoạt động ngân hàng, nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định.
Số đông khách hàng vẫn muốn đến trực tiếp phòng giao dịch Số đông khách hàng vẫn muốn đến trực tiếp phòng giao dịch

Nếu đặt vấn đề các yếu tố nguồn lực trong tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng trong giai đoạn hiện nay - thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các quan điểm và định hướng đều tập trung vào giải pháp công nghệ. Điều này hoàn toàn không sai, bởi phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý hoạt động ngân hàng, có thể nói, nguồn nhân lực mới là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với hiệu quả hoạt động, mà còn tạo ra sự khác biệt trong tăng trưởng và phát triển bền vững.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM

Thực tế cho thấy, sự khai thác và sử dụng tốt yếu tố nguồn nhân lực đã tạo cho các định chế tài chính nước ngoài lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động vượt trội trong nhiều năm qua, từ đó trở thành bài học kinh nghiệm trong phát triển của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước.

Với ý nghĩa đó, bài viết đặt vấn đề phân tích vai trò và ý nghĩa tạo ra sự khác biệt của yếu tố nguồn nhân lực trong tăng trưởng và phát triển của các TCTD giai đoạn hiện nay dựa trên 4 phương diện:

Thứ nhất, con người - yếu tố quyết định sự tăng trưởng ổn định và bền vững đối với mỗi ngân hàng, cũng như toàn bộ hệ thống TCTD.

Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế nói chung và khó khăn của hệ thống ngân hàng nói riêng giai đoạn 2008-2012, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, cũng như làm phát sinh các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng đều có yếu tố con người.

Những TCTD hoạt động yếu kém, ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan và xuất phát từ con người, đó là năng lực cán bộ, trình độ quản lý, đạo đức nghề nghiệp... yếu kém. Tác động tiêu cực từ yếu tố này chính là rủi ro cho các TCTD.

Ngược lại, các TCTD có nguồn nhân lực chất lượng, chiến lược kinh doanh cũng như năng lực quản lý, quản trị kinh doanh hiệu quả, tuân thủ kỷ luật thị trường… dù chịu tác động của khủng hoảng, nhưng khó khăn chỉ mang tính khách quan và trong ngắn hạn. Qua giai đoạn khó khăn sẽ dần ổn định trở lại, rồi tiến đến tăng trưởng và phát triển.

Thứ hai, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sẽ tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động tín dụng tăng trưởng.

Lợi ích mà nguồn nhân lực mang lại là rất lớn và không bị giới hạn như các nguồn lực khác, bởi sự năng động, khả năng sáng tạo của yếu tố này luôn tồn tại và có khả năng tạo ra những khác biệt lớn cho các TCTD để phát triển: Đề ra chiến lược kinh doanh đúng đắn, kỹ năng quản trị tốt, sáng tạo trong phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích và đổi mới không ngừng… Một TCTD sở hữu nguồn nhân lực chất lượng sẽ có được các giá trị tích cực này, từ đó tạo ra khả năng cạnh tranh cao và khác biệt so với các TCTD khác.

Mặt khác, việc sử dụng hiệu quả yếu tố nguồn nhân lực còn cho phép các TCTD tiết giảm tối đa các chi phí như chi phí đầu vào, chi phí quản lý, nâng cao năng suất lao động…, từ đó trực tiếp nâng cao hiệu quả kinh doanh, cũng như hiệu quả của công tác quản trị điều hành.

Thức ba, nguồn nhân lực chất lượng góp phần xây dựng thương hiệu, tạo lập và củng cố niềm tin thị trường.

Cùng với các nguồn lực khác (vốn, công nghệ…), nguồn nhân lực sẽ quyết định và tạo nên sự khác biệt giữa các TCTD trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Điều này phản ánh trên 2 yếu tố:

 Thương hiệu của tổ chức tín dụng gắn chặt với yếu tố con người, với văn hóa và phong cách giao dịch

Một là, nguồn nhân lực quyết định việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực vốn, công nghệ để TCTD có thể phát triển. Với các doanh nghiệp, trong quá trình sản xuất - kinh doanh, việc sử dụng hiệu quả vốn, công nghệ sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, với các TCTD, điều này còn đặc biệt hơn và có ý nghĩa sống còn, khi mỗi quyết định cho vay, đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng…, đều tiềm ẩn rủi ro và phụ thuộc rất lớn vào quyết định đúng đắn của mỗi lãnh đạo, cán bộ ngân hàng nói riêng và hệ thống quản lý, quản trị kinh doanh ngân hàng nói chung.

Hai là, thương hiệu của các TCTD được hội tụ và quyết định bởi nhiều yếu tố như hiệu quả kinh doanh luôn được duy trì và khẳng định qua nhiều năm; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cung ứng cho khách hàng; năng lực tài chính và vị trí trên thị trường...

Tuy nhiên, thương hiệu của TCTD còn gắn chặt với yếu tố con người, với văn hóa và phong cách giao dịch, phục vụ khách hàng của mỗi TCTD.

Chính những điều này đã tạo ra dấu ấn riêng có cho ngân hàng, tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu của ngân hàng và trên hết, đó là uy tín và niềm tin của thị trường, của người dân và doanh nghiệp đối với ngân hàng đó.

Đồng thời, giá trị của yếu tố nguồn nhân lực đã và đang được các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm đánh giá. Đây là một trong những cơ sở để họ đưa ra quyết định đầu tư vào ngân hàng.

Thứ tư, nguồn nhân lực - yếu tố đảm bảo cho hệ thống TCTD hoạt động an toàn và hiệu quả.

Vấn đề quan trọng và trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện nay, khi sự phát triển của nền kinh tế ngày càng cao, công nghệ ngày càng phát triển, tạo ra môi trường thuận lợi để các ngân hàng phát triển kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều thách thức và tiềm ẩn rủi ro, bởi tội phạm ngân hàng diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Điều này đòi hỏi các TCTD không chỉ ứng dụng công nghệ hiện đại, mà còn phải phát triển và thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải pháp an toàn bảo mật trong hoạt động kinh doanh.

Trong đó, vai trò của yếu tố nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định, bao gồm những yêu cầu từ chất lượng nguồn nhân lực, đạo đức nghề nghiệp, trình độ quản lý, quản trị kinh doanh, cho đến hệ thống quy định hoàn chỉnh và hiệu quả, tính tuân thủ kỷ luật thị trường, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động kinh doanh tiền tệ…

Tất cả những nội dung trên về bản chất đều thuộc yếu tố nguồn nhân lực và do con người quyết định. Bởi vậy, khai thác và sử dụng hiệu quả yếu tố này không chỉ quyết định sự thành công của đề án tái cơ cấu lại mỗi ngân hàng, mà còn quyết định sự tăng trưởng và phát triển bền vững của toàn hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, cũng như tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.

Tô Duy Lâm
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục