Tại hội thảo Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa như ngành xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ được VCCI tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập -VCCI cho biết, khi tham khảo các ý kiến để tận dụng không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa cũng có ý kiến cho rằng, ngành xuất khẩu gỗ không có khó khăn gì vì nhiều năm nay xuất khẩu vẫn rất tốt.
Theo kế hoạch đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7 tỷ USD nhưng năm 2015, toàn ngành đã đạt hơn 6,9 tỷ USD và có kỷ lục xuất khẩu 10 năm tăng 6 lần.
Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh, có thể trong quá khứ ngành gỗ phát triển tốt khi các đạo luật về nguồn gốc gỗ ở những nước nhập khẩu như Mỹ, Úc… đã được ban hành nhưng chưa đến thời hạn thực thi. Hơn nữa, ngành gỗ Việt Nam trước giờ chỉ xuất khẩu FOB, muốn trở thành một ngành xuất khẩu bền vững thì phải chuyển sang xuất CIF và tất cả các doanh nghiệp gỗ đều phải thực hiện đúng các yêu cầu về nguồn gốc xuất khẩu… được thể hiện trong các đạo luật của các quốc gia nhập khẩu gỗ.
Trong khi đó, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, khó khăn mà ngành xuất khẩu gỗ sẽ phải đối mặt là chính sách kiểm soát việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp xuất khẩu, nhận thức của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu về các quy định tại thị trường các nước nhập hàng vào...
Ví dụ, tại Hoa Kỳ (thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,64 tỷ USD năm 2015, chiếm 38%/tổng kim ngạch xuất khẩu), đã quy định các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải khai báo tên và nguồn gốc xuất xứ gỗ. Tại EU (thị trường đứng thứ 4 về xuất khẩu gỗ với kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD) quy định cấm khai thác gỗ trái phép; các doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm giải trình thông tin về toàn bộ chuỗi cung ứng, đánh giá rủi ro, giảm thiểu rủi ro…; phải lưu trữ thông tin về người mua và người bán; có hệ thống giám sát độc lập…. Tại Úc (thị trường lớn thứ 6 về xuất khẩu gỗ) cũng đã có Luật cấm khai thác gỗ lậu và quy định trách nhiệm giải trình từ doanh nghiệp…
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, để không vi phạm các quy chuẩn nguồn gốc gỗ nhập khẩu tại các thị trường trên, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng cần giám sát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nguyên liệu của mình. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn còn thiếu một số quy định cụ thể. Chẳng hạn, đối với nguồn gỗ cao su thiếu quy định cụ thể gỗ thế nào được coi là gỗ cao su hợp pháp được đưa vào xuất khẩu; hay với gỗ vườn rừng hoặc gỗ vườn thì tính pháp nhân của hộ gia đình này cũng chưa rõ ràng.
“Còn nhiều hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất nên còn thiếu bằng chứng chứng minh gỗ hợp pháp. Hiện nay, tỷ lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 70%, còn 30% hộ gia đình trồng rừng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên vẫn có những rủi ro từ nguồn gốc gỗ từ những hộ này”, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, hiện Chính phủ đang cấm khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, tuy nhiên vẫn có 1 số sản phẩm gỗ từ rừng được khai thác hợp pháp để làm đường xá cầu cống…
Theo ông Phúc, nguồn nguyên liệu gỗ này có rủi ro rất cao nên không xuất khẩu mà chỉ sử dụng cho các công trình nội địa. Ngoài ra, gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu cũng có một số rủi ro về mặt pháp lý ngay từ đầu nguồn nguyên liệu. Vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu phải yêu cầu doanh nghiệp bán gỗ thô có bằng chứng gỗ họ mua là hợp pháp, còn cơ quan hải quan khi kiểm dịch nhập khẩu cũng đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu phải xuất đủ các giấy tờ chứng minh sự minh bạch của nguồn gốc, tránh sản xuất gỗ từ những nguồn gỗ nhập khẩu có rủi ro cao.