Nguồn gốc tạo ra giá trị công ty

(ĐTCK) Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam không nên chỉ gói gọn trong khuôn khổ hạn hẹp của chữ “xanh” hay “môi trường”. Và nó không bao giờ nên chỉ là một cái nhãn dán lên giống như dán nhãn sản phẩm hữu cơ rồi bán với giá cao hơn…
Nguồn gốc tạo ra giá trị công ty

Tài chính xanh qua vài con số từ nước Anh

Tài chính xanh, nhìn chung có thể được phát triển dựa trên 4 trụ cột chính: trái phiếu xanh, đầu tư vào năng lượng sạch, đầu tư vào các dự án hạ tầng xanh và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững thu hút vốn qua kênh cổ phiếu và gọi vốn từ cộng đồng (crowd funding).

Một vài con số từ nước Anh, một trong những nước có tham vọng đi đầu trong lĩnh vực tài chính xanh, có thể phần nào cho ta thấy một bức tranh về những chuyển động của lĩnh vực “thời thượng” này. Trong năm 2017 có 155,5 tỷ USD trái phiếu được phát hành, tăng hơn 68% so với năm 2016.

Có 38 công ty huy động được qua kênh phát hành cổ phiếu 10 tỷ USD, trong đó có 14 quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ngân hàng Đầu tư Xanh của nước Anh (UK Green Investment Bank) đã hỗ trợ 98 dự án hạ tầng với số vốn 3,4 tỷ Bảng.

Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam không nên chỉ gói gọn trong khuôn khổ hạn hẹp của chữ “xanh” hay “môi trường”   

Những con số này cho thấy trái phiếu xanh vẫn là công cụ chủ chốt để huy động vốn vào các dự án xanh (giảm khí thải các-bon, tiết kiệm sử dụng nước, giảm rác thải... Trong khi đó, huy động vốn vào các dự án nhiều rủi ro như phát triển năng lượng tái tạo được thực hiện tốt hơn qua kênh cổ phiếu vì tính chất phức tạp và bất định của nó (có người còn gọi là những canh bạc không kém bitcoin).

Vai trò vốn mồi của chính phủ qua hình thức ngân hàng đầu tư hạ tầng cũng là một yếu tố cần để ý vì hạ tầng xanh về cơ bản là những yếu tố căn bản để hình thành một nền kinh tế xanh. Việt Nam đã có những định chế có sẵn tương tự như các quỹ đầu tư phát triển đô thị. Trong bối cảnh của Việt Nam, con đường thúc đẩy phát triển nhanh trái phiếu xanh qua các quỹ đầu tư hạ tầng của chính phủ hoặc kết hợp chính phủ và tư nhân có thể đẩy nhanh tiến trình áp dụng trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán.

Vấn đề không chỉ ở những con số…

Bên cạnh khía cạnh các công cụ thu hút vốn, chính phủ Anh cũng đang mạnh tay thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh công bố thông tin về các yếu tố phát triển bền vững, khí thải, môi trường... trong báo cáo thường niên của mình. Người ta cũng đang nói về các sáng kiến kiểm toán việc tuân thủ các yếu tố phát triển bền vững của những công ty niêm yết.

Điều đó cho thấy vấn đề không nằm ở chỗ cứ gán cái mác “xanh” hay “bền vững” lên công ty hay sản phẩm của mình là được, mà cần phải chuẩn bị sẵn cho khâu công bố thông tin và chịu trách nhiệm với xã hội. Về cơ bản, doanh nghiệp đang đối mặt với một loại rủi ro về danh tiếng công ty (reputation risk). Bài học của Formosa vẫn còn nguyên giá trị về mặt hình tượng doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường và những yếu tố khó lường của một cuộc khủng hoảng môi trường.

Ông Hồ Quốc Tuấn 

Quan trọng hơn hết, vấn đề của phát triển khái niệm “xanh” còn nhiều khác biệt và thiên hình vạn trạng. Nhiều khi người ta định nghĩa nó rất hẹp trong việc giảm khí thải các-bon, nhưng cũng có lúc nó bao hàm rộng khắp từ năng lượng bền vững, tiết kiệm sử dụng nước cho đến đơn giản là sử dụng vật liệu bền vững với môi trường như tre. Do đó, yêu cầu minh bạch về khái niệm “xanh”, “bền vững với môi trường”... vẫn còn rất mới cho chính các công ty niêm yết và nhà đầu tư. Vì vậy, yếu tố quan trọng không kém là yếu tố cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư và cả công ty niêm yết.

Theo một báo cáo của Trường đại học Harvard gần đây dựa trên phỏng vấn các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, các nhà đầu tư sử dụng các thông tin về bền vững với môi trường để đánh giá rủi ro pháp lý và rủi ro với danh tiếng của công ty. Trái với suy nghĩ thông thường là người ta chú ý các thông tin này để đầu tư vì vấn đề đạo đức, thực tế các nhà đầu tư thực dụng hơn nhiều, họ sử dụng các thông tin này để đánh giá rủi ro.

Trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh ứng dụng các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững, hướng tới đưa nó vào khuôn khổ luật chính thức (đặc biệt là ở châu Âu), doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam không thể xem nhẹ các yếu tố này.

Nếu một ngày nào đó một doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam làm gia công cho một đối tác ở châu Âu bị phát hiện không tuân thủ các yếu tố phát triển bền vững, có thể họ sẽ mất khách hàng, đối tác sẽ bị phạt nặng ở châu Âu và không doanh nghiệp nào ở châu Âu chọn họ làm bạn hàng nữa. Như vậy, công ty sẽ đứng trước một rủi ro tài chính do rủi ro danh tiếng tạo ra. Đây là một vấn đề rất sát sườn chứ không mơ hồ như khái niệm phát triển bền vững.

Với đặc trưng là một thị trường có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, các cơ quan phát triển thị trường ở Việt Nam do đó cần chú ý không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính xanh qua kênh trái phiếu xanh (một xu thế khó cưỡng đang lan nhanh sang châu Á) mà còn cần phổ cập thông tin về rủi ro liên quan đến sự bùng nổ của các quy định và sáng kiến phát triển bền vững với nhà đầu tư, để họ sau một đêm ngủ dậy không đột nhiên nhận thấy công ty mà mình đầu tư bị mất một khách hàng lớn, hay đột ngột bị phạt một khoản tiền lớn.

Từ tài chính xanh tới tài chính ESG

ESG là một khái niệm thời thượng với giới đầu tư trong vài năm gần đây, nó bao gồm môi trường (Environment), xã hội (Social) và quản trị (Governance). Nó bao hàm một không gian rộng hơn khái niệm môi trường vì còn tính đến trách nhiệm xã hội (với người lao động, khách hàng) và minh bạch quản trị (lobby chính trị, tham nhũng). Về cơ bản, nó cũng nằm chung một khuôn khổ như tài chính xanh nhưng rộng hơn. Nhà đầu tư sẽ đánh giá rủi ro danh tiếng và pháp lý một công ty qua một hệ thống điểm số đánh giá ESG toàn diện của công ty.

Những hãng cung cấp dữ liệu lớn trên thế giới như Bloomberg hay Thomson Reuters đang chạy đua trong một cuộc cạnh tranh cung cấp những cơ sở dữ liệu để đánh giá thẻ điểm ESG của công ty (có những bộ dữ liệu như KLD hay ASSET4 có tới 40 - 50 chỉ tiêu nhỏ) và nhiều báo cáo phân tích của các ngân hàng đầu tư bắt đầu đưa các thẻ điểm ESG vào báo cáo. Sẽ không còn xa ngày mà điểm ESG trung bình xuất hiện bên cạnh beta như một thước đo rủi ro của doanh nghiệp. Nhiều nhà phân tích đã thừa nhận rằng, ESG bây giờ là một phần trong khuôn khổ đánh giá chất lượng ban quản trị của họ.

Những điều này đặt ra một vấn đề là phát triển tài chính xanh ở Việt Nam không nên chỉ gói gọn trong khuôn khổ hạn hẹp của chữ “xanh” hay “môi trường”. Và nó không bao giờ nên chỉ là một cái nhãn dán lên giống như dán nhãn sản phẩm hữu cơ rồi bán với giá cao hơn.

Đằng sau nó phải là cả một câu chuyện về đạo đức doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội và chất lượng quản trị công ty. Và nó không phải chỉ là doanh nghiệp làm vì đạo đức, họ phải làm vì đó là xu thế thời thượng và đó là nguồn gốc tạo ra giá trị công ty.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên đại học Bristol, Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục