Hàng loạt dự án bị vỡ kế hoạch
Cuối năm 2016, doanh nghiệp địa ốc TP.HCM đã lên kế hoạch phát triển nhiều dự án bất động sản trong năm 2017, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định, kế hoạch trên đã bị vỡ.
Một doanh nghiệp địa ốc có quy mô khá lớn tại TP.HCM, từng được mệnh danh là “ông vua” nguồn cung dự án, cuối năm 2016 đã lên kế hoạch đưa ra thị trường ít nhất 4 dự án mới trong năm nay. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa thể đưa một dự án mới nào ra thị trường do vướng thủ tục. Để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp buộc phải cho hàng trăm nhân viên bán hàng nghỉ việc.
Tương tự, một đại gia địa ốc khác với đội ngũ nhân viên bán hàng lên tới cả trăm người, cũng đang “đau đầu” vì dự án bị kẹt thủ tục không đưa được ra thị trường. Cụ thể, theo kế hoạch, cuối năm 2017, doanh nghiệp sẽ tung ra thị trường 2 dự án ở khu Đông TP.HCM, nhưng tới nay vẫn chưa thể ra mắt dự án nào.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp có một dự án tại quận 8, TP.HCM cho biết, thủ tục thực hiện dự án hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
“Gần một năm qua, doanh nghiệp chúng tôi loay hoay làm thủ tục cho dự án. Tưởng chừng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay để kịp ra mắt thị trường đón mùa mua nhà cuối năm, nhưng mới đây, cơ quan chức năng lại thông báo, dự án phải chờ ý kiến đánh giá tác động về giao thông của nhiều ban ngành”, vị này nói và lo lắng, chưa biết đến khi nào dự án mới xong thủ tục để triển khai.
Mới đây nhất, báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình thực hiện các dự án nhà ở có sử dụng nguồn gốc đất công cho thấy, hàng loạt dự án đang bị ách tắc bởi thủ tục. Có những chủ đầu tư vì uy tín doanh nghiệp phải chờ đợi thủ tục chỉn chu mới triển khai dự án, nhưng cũng có chủ đầu tư “sốt ruột” đã “cầm đèn chạy trước ô tô".
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, với trình tự hiện nay, để hoàn thiện thủ tục đầu tư một dự mất rất nhiều thời gian. Sở dĩ trong 2 năm qua, nguồn cung dự án được tung ra thị trường khá nhiều, là bởi các dự án này chủ yếu đã hoàn tất thủ tục pháp lý trước đó và bị trùm mền, hay được tái khởi động nhờ hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án.
“Với các dự án mới, hiện đều đang chờ đợi hoàn thiện pháp lý, nên chưa biết đến lúc nào sẽ được tung ra thị trường”, ông Quang cho biết.
Giá rục rịch tăng do khan hiếm nguồn cung
Trước việc nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở vẫn ở mức cao, nhiều dự án căn hộ, đặc biệt là các dự án tốt được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, giá trên thị trường thứ cấp tăng mạnh thời gian qua.
Chẳng hạn, tại Dự án Him Lam Phú An (quận 9) do Him Lam Land làm chủ đầu tư, được giới thiệu ra thị trường trong thời gian ngắn, nhưng hầu hết sản phẩm đều được khách hàng đặt mua. Hiện nay, giá trên thị trường thứ cấp của sản phẩm dự án này có mức chênh 10 - 15% so với giá gốc của chủ đầu tư.
Cũng do Him Lam Land làm chủ đầu tư, dự án căn hộ Him Lam Phú Đông (quận Thủ Đức), dự kiến bàn giao nhà cuối năm nay, cũng có mức chênh trên thị trường thứ cấp lên tới 200 - 300 triệu đồng/căn hộ.
Tương tự, tại các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư được chào bán đầu năm nay, hiện cũng có mức chênh 10-15% như Moonlight Residences (quận Thủ Đức), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), Richmon City (quận Bình Thạnh), nhưng ít người bán lại.
Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land, trong giai đoạn 2014 - 2016, nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính ráo riết săn tìm mua lại các dự án bất động sản xây dựng dở dang, có vị trí tốt để tái khởi động và tung ra thị trường. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, quỹ đất ở những khu vực trung tâm TP.HCM đã thực sự khan hiếm.
Theo ông Hiền, thanh khoản chững lại của thị trường hiện nay không phải do nhu cầu sụt giảm, thậm chí nhu cầu vẫn đang rất lớn (chủ yếu tập trung vào những dự án tốt), mà cơ bản là do nguồn cung đang rất khan hiếm.
“Thủ tục thực hiện dự án ngày càng khó, quỹ đất trở nên khan hiếm, khả năng thời gian tới, các dự án có vị trí tốt, được đầu tư bài bản sẽ còn tăng giá”, ông Hiền nhận định.