Người Việt vay tiêu dùng 15 tỷ USD

Quy mô cho vay tài chính tiêu dùng của Việt Nam tăng gần gấp rưỡi lên 15,12 tỷ USD trong năm 2015 cho thấy thị trường này cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt.
Trong khi số công ty tài chính tăng gấp đôi thì các điểm bán hàng lại hạn chế nên các thành viên trên thị trường đang phải cạnh tranh nhau khốc liệt hơn. Ảnh: Thanh Lan. Trong khi số công ty tài chính tăng gấp đôi thì các điểm bán hàng lại hạn chế nên các thành viên trên thị trường đang phải cạnh tranh nhau khốc liệt hơn. Ảnh: Thanh Lan.

Thống kê của Công ty cổ phần Truyền thông Tài chính (StoxPlus) vừa công bố báo cáo cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Dư nợ cho vay tăng trưởng 44%, từ 10,5 tỷ USD (năm 2014) lên 15,12 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Cũng theo báo cáo, hoạt động này đang chiếm 10,4% GDP và 6,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Cho vay tiêu dùng bùng nổ trong năm 2015, theo phân tích của đơn vị này, bắt nguồn từ những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng và nhu cầu cao về tín dụng bất động sản của tầng lớp thu nhập trung bình. Theo đó, thói quen vay mượn từ người thân bạn bè hoặc thị trường tài chính không chính thống đã dần chuyển dịch sang vay mượn từ các công ty tài chính.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô, sự cạnh tranh giữa các thành viên trên thị trường tài chính tiêu dùng cũng ngày một gay gắt hơn. Đầu tiên là số lượng các công ty tài chính tiêu dùng tăng gấp đôi trong năm nay khi hệ thống tổ chức tín dụng chứng kiến nhiều cuộc mua bán, sáp nhập... các công ty tài chính. Bên cạnh đó, quyền mặc cả của người mua được nhận định sẽ ngày càng tăng khi số công ty tăng gấp đôi còn số lượng điểm bán hàng lại có hạn.

Theo đó, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ gia tăng ưu đãi hoặc hoa hồng cho các điểm bán hàng để dành được một vị trí ở các điểm bán đó. Như Mobile World và FPT Shop là những ví dụ điển hình. Theo thống kê, hiện có ít nhất 4 công ty tài chính tiêu dùng bao gồm FE Credit, Home Credit, HD Sài Gòn, và ACS hoạt động ở các hệ thống bán hàng này. Do đó, lợi nhuận biên của những công ty này sẽ bị suy giảm.

Hơn nữa, kênh bán hàng của các công ty tài chính phải đối mặt với thách thức mới từ việc tăng chi phí bán hàng và chi phí hoạt động từ các công ty thanh toán và thu hộ như MoMo and Payoo. Theo khảo sát, hiện các công ty này thu một mức phí từ 5% đến 8% đối với mỗi giao dịch. "Điều này cũng đã dẫn đến sự sụt giảm trong lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng", báo cáo cho hay.

Bên cạnh đó, các công ty tài chính còn gặp thách thức đến từ những công ty ứng dụng công nghệ tân tiến vào ngành dịch vụ tài chính (FinTech). Mặc dù hiện tại các công ty FinTech chỉ cung cấp phần mềm thanh toán và một số các hoạt động cho vay giới hạn, StoxPlus cho rằng đây sẽ trở thành một mối đe dọa cho các công ty tài chính tiêu dùng.

"Bằng việc tận dụng các lợi thế cạnh tranh như mạng lưới dày đặc và cơ sở dữ liệu khách hàng rộng lớn, các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như MoMo, Payoo hay BankPlus... có rất nhiều động lực để gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng. Vì vậy, các công ty tài chính tiêu dùng không nắm bắt được công nghệ tiên tiến rất có thể sẽ tụt lại phía sau trong vài năm tới", báo cáo nhận định.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục