Người Việt thích tiết kiệm tiền nhất thế giới

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, nhiều năm nay Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân thích tiết kiệm tiền nhất thế giới.
Ảnh Internet. Ảnh Internet.

Báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố hồi cuối năm 2018 đã chỉ ra xu hướng sử dụng tiền nhàn rỗi những năm gần đây của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Người Việt thích tiết kiệm tiền

Khảo sát từ hãng này cho biết 70% người tiêu dùng Việt được dành phần lớn khoản tiền nhàn rỗi vào mục đích tiết kiệm. Điều này khiến Việt Nam trở thành quốc gia xếp thứ 2 toàn thế giới về tỷ lệ người dân thích việc tiết kiệm tiền, chỉ sau Philippines với tỷ lệ 71%.

Thực tế, so với toàn cầu, người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn dẫn đầu về việc tiết kiệm tiền trong những năm gần đây.

Theo báo cáo này, quý II/2018, ngoài Philippines và Việt Nam là hai quốc gia có người tiêu dùng thích tiết kiệm nhất thế giới thì tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng tiết kiệm khoản tiền nhàn rỗi của mình tại Singapore cũng 69% và Indonesia là 66%. Trong khi đó, mức trung bình toàn cầu là khoảng 53%.

Nhiều năm trước đó, người tiêu dùng Việt luôn đặt việc tiết kiệm lên hàng đầu thay vì các khoản chi tiêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống sau khi đã trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu.

Tuy nhiên, Nielsen cũng cho biết người tiêu dùng Việt vẫn sẵn sàng chi tiêu với các mục đích này.

Cụ thể, sau khi trả các chi phí sinh hoạt thiết yếu, ưu tiên sử dụng tiền nhàn rỗi lớn thứ 2 của người Việt sau tiết kiệm là chi trả cho các hạng mục lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống như du lịch, mua sắm, trải nghiệm cá nhân…

Theo đó, gần một nửa người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ và du lịch (49%). Bên cạnh đó, 46% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cũng muốn chi tiền cho việc mua quần áo và các sản phẩm công nghệ mới.

43% người Việt muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình và 38% muốn chi tiêu cho việc nâng cấp, trang trí nhà cửa.

Tiền gửi tiết kiệm của người Việt tăng mạnh

Thực tế, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đến cuối tháng 5 tại các tổ chức tín dụng đang là 8,1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, riêng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng là 4,676 triệu tỷ đồng, tăng 6,84% so với đầu năm.

Tính bình quân, trong 5 tháng đầu năm nay, nguồn tiền gửi từ cư dân tại các tổ chức tín dụng đã tăng khoảng 300.000 tỷ đồng.

Nếu chia bình quân theo dân số hiện nay, mỗi người Việt (bất kể tuổi tác) đã gửi ngân hàng hơn 3 triệu đồng từ đầu năm.

Còn nếu tính theo số tài khoản ngân hàng hiện tại (khoảng 45 triệu tài khoản cá nhân), mỗi tài khoản cá nhân đang có khoảng 104 triệu đồng, tăng 6,7 triệu từ đầu năm.

Nếu nhìn vào khoản tiền gửi khách hàng tại 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) chiếm gần 50% tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư trong toàn hệ thống TCTD có thể thấy xu hướng tiết kiệm của người Việt gia tăng rất nhanh những năm gần đây.

Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại 4 ngân hàng kể trên năm 2018 đều đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2013.

Năm 2013, tổng số tiền gửi tại 4 ngân hàng kể trên đạt khoảng 1,61 triệu tỷ đồng, con số này đến cuối năm 2018 đã tăng lên mức 3,723 triệu tỷ, tương đương tăng 131% sau 5 năm.

Tốc độ tăng trưởng tiền gửi của cả 4 ngân hàng trên trong 5 năm qua đều đạt hơn 10%/năm, và mức trung bình đạt khoảng 26%/năm.

Quy mô tiền gửi tại các tổ chức tín dụng gia tăng đến từ hai yếu tố. Một là số lượng tài khoản tiền gửi của cá nhân tăng lên, hai là số dư bình quân mà các chủ tài khoản duy trì trên tài khoản cũng tăng.

Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, từ cuối năm 2017 đến giữa năm 2018, tổng số tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân chỉ xoay quanh mốc 70 triệu tài khoản. Nhưng từ quý III/2018 đến quý I/2019, số tài khoản này đã tăng mạnh lên và đạt hơn 81,3 triệu tài khoản.


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục