Dư nợ ngoại tệ giảm mạnh
Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Công ty Chế biến và xuất khẩu hạt điều (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, công ty vừa trả nợ số tiền vay bằng ngoại tệ cho VietinBank, chấm dứt vay vốn USD, bởi hiện chênh lệch lãi suất không còn lớn giữa tiền đồng và ngoại tệ.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay vốn ngoại tệ trên địa bàn tính đến cuối tháng 8 ước giảm khoảng 12,1% so với cuối năm 2011. Con số này ở thời điểm cuối tháng 7 giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2011. Nguồn vốn ngoại tệ huy động trong các ngân hàng đến cuối tháng 8 ước giảm 3,93% so với cuối năm 2011 và tiền gửi ngoại tệ chỉ còn chiếm khoảng 21% so với tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa TP. Hồ Chí Minh. Tín dụng ngoại tệ giảm, nhu cầu USD trong các ngân hàng cũng không còn lớn, cùng với đó lãi suất tiền gửi ngoại tệ dưới 2%/năm và tỷ giá ổn định không hấp dẫn người gửi ngoại tệ vào ngân hàng.
Tín dụng ngoại tệ giảm mạnh trong thời gian gần đây, nguyên do lãi vay tiền đồng sau 5 lần giảm, trong khi lãi vay tiền USD cao nhất hiện vẫn nằm ở mức 7-8%/năm. Nhiều ngân hàng hiện cho vay lãi suất tiền đồng ở mức 12-13%/năm, thậm chí Vietcombank cho vay tiền đồng 6%/năm đối với khách hàng có tiền gửi thanh toán, trả lương và sử dụng các dịch vụ khép kín ở ngân hàng này.
Như vậy có những khoản vay tiền đồng, lãi suất hiện còn thấp ngang bằng vay ngoại tệ, vốn USD không còn hấp dẫn với người vay. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng một năm trở lại đây tỷ giá VND/USD tương đối ổn định, đã xóa tan kỳ vọng tỷ giá tăng làm tín dụng ngoại tệ tăng trưởng thấp.
Cụ thể tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ đầu năm đến nay được giữ ở mức 20.828 đồng/USD, giá niêm yết mua bán USD trong các ngân hàng nằm trong biên độ cho phép. Chênh lệch giá USD tiền mặt ngoài thị trường tự do với niêm yết chỉ khoảng 10 đồng/USD, có thời điểm giá USD tự do còn thấp hơn ngân hàng niêm yết, đã nâng được giá trị tiền đồng lên một chút so với USD.
Tiền đồng đang lấy lại vị thế?
Theo một chuyên gia ngân hàng, tín dụng ngoại tệ giảm nhanh trong thời gian gần đây do nhiều khoản vay vốn bằng USD trong tháng 1 và 2/2012 (tín dụng chung nửa đầu năm âm nhưng ngoại tệ vẫn tăng) hiện đang đến kỳ trả nợ. Trong khi đó, điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp hạn chế vay vốn ngoại tệ thanh toán nguyên liệu nhập khẩu.
Điều này thể hiện rõ nhất trên con số nhập siêu trong 8 tháng đầu năm của cả nước ở mức 62 triệu USD, cùng thời điểm này năm trước là 6,1 tỷ USD. Và điều này đã tác động không nhỏ lên tỷ giá và nhu cầu tín dụng ngoại tệ trong ngân hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng ngoại tệ không tăng, nên các ngân hàng cũng hạn chế huy động USD. Tỷ giá ổn định nên thời gian qua nhiều người dân đã bán ngoại tệ cho ngân hàng để gửi tiết kiệm tiền đồng, đẩy số dư tiền gửi đồng Việt
Theo một chuyên gia tài chính, lãi suất tiền đồng duy trì ở mức thấp, tỷ giá ổn định đang lấy lại vị thế của đồng Việt
Khẳng định này sẽ vững chắc hơn, nếu trong những tháng tới tín dụng ngoại tệ tiếp tục không tăng và doanh số mua bán ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng tăng lên. Khi đó niềm tin vững chắc vào tiền đồng sẽ mạch lạc hơn và người vay USD để thanh toán sẽ chuyển hẳn sang hoạt động mua bán ngoại tệ.
Từ cuối năm 2009 đến tháng 2/2012 tín dụng ngoại tệ liên tục tăng nhanh, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu thanh toán nước ngoài cũng vay ngoại tệ chuyển hóa ra tiền đồng thu mua nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu để tránh lãi suất cao ở khu vực tiền đồng.