Người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được chi trả điều trị nội trú hơn 1 triệu/lượt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992. Năm 2008, Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được Quốc hội khóa XII thông qua.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh “việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế”. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh “việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế”.

Vì mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 01/7 hằng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”.

Ngày BHYT Việt Nam là dịp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.

Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.

Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT.

Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng BHYT như nhau, gồm các chi phí sau: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng và chi phí trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi,…

Danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả). Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.

Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại). Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đãi đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng. Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2-1,3 triệu/lượt.

Đối với các trường hợp phải chăm sóc đặc biệt sẽ được quỹ BHYT thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng/một đợt điều trị, thậm chí có trường hợp số tiền giường được thanh toán lên đến hằng trăm triệu đồng.

Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn.

Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc KCB cho người thân.

Mặc dù các thuốc điều trị cho các bệnh hiểm nghèo đều là các thuốc đắt tiền, có giá lên đến hàng chục triệu đồng cho một liều sử dụng nhưng vẫn được quỹ BHYT thanh toán. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục