Người phụ nữ giàu nhất thế giới công nghệ

(ĐTCK) Trong danh sách 100 người giàu nhất thế giới công nghệ của Forbes năm 2015, chỉ có bảy phụ nữ. Bốn trong số bảy nữ tỷ phú ngành công nghệ đến từ Mỹ, 3 người còn lại đến từ Thụy Sĩ, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Một trong số 7 người này có thể nói nổi bật nhất là nữ doanh nhân người Trung Quốc Chu Quần Phi.
Người phụ nữ giàu nhất thế giới công nghệ

Chu Quần Phi hiện đang sống tại Hong Kong, được coi là một trong những người phụ nữ tự lập giàu nhất thế giới. Bà là người sáng lập ra Lens Technology, nhà cung cấp màn hình cảm ứng cho máy tính xách tay và các thiết bị di động lớn nhất thế giới. Công ty của Chu được IPO vào tháng 3/2015 và đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều khách hàng “khủng”, trong đó có hai khách hàng lớn nhất là Apple và Samsung. Zhou hiện sở hữu khối tài sản cá nhân lên tới 7,5 tỷ USD.

Chu Quần Phi sinh năm 1970 tại một làng quê ở tỉnh Hồ Nam, thuộc miền Trung Trung Quốc. Lên 5 tuổi, cô bé Quần Phi đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Cha bà là một thợ thủ công lành nghề, ông bị mất thị lực sau một tai nạn lao động. Gia cảnh khó khăn, Quần Phi sớm biết giúp đỡ gia đình những công việc chăn nuôi, đồng áng, song ở trường, Quần Phi vẫn luôn là một học sinh xuất sắc.

Dù học rất giỏi, Quần Phi vẫn phải bỏ học ở tuổi 16 và đến Quảng Đông sống cùng gia đình người chú mong tìm cơ hội đổi đời. Ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang, nhưng Quần Phi buộc phải làm một công việc trong một nhà máy sản xuất kính đồng hồ ở thành phố Thâm Quyến với mức lương 1 USD/ ngày.

“Điều kiện làm việc tại đó rất khắc nghiệt, tôi phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm, đôi khi đến 2 giờ sáng. Công việc thì tẻ nhạt, chỉ là liên tục ngồi đánh bóng các tấm kính. Tôi thật sợ hãi công việc này”, Chu nhớ lại.

Năm 1993, khi vừa tròn 22 tuổi, Chu Quần Phi quyết định khởi nghiệp kinh doanh riêng. Với 3.000 USD tiết kiệm được, Quần Phi và một số người thân bắt đầu lập công ty nhỏ chuyên sản xuất kính đồng hồ. Tại công ty mới, Chu gần như tự mình làm tất cả. Công ty nhỏ của Chu nhanh chóng thu hút được nhiều khách hàng với cam kết cho ra những tấm kính đồng hồ có chất lượng cao.

"Người Hồ Nam chúng tôi gọi những người như Quần Phi là “vua hổ”, dám nghĩ, dám làm những việc mà người khác không dám”, Chu Tân Di, anh họ và là người đã giúp Chu gây dựng Lens từ những ngày đầu và giờ đây đang tham gia Ban điều hành Công ty chia sẻ.

Năm 2003, công ty của Chu vẫn sản xuất kính đồng hồ cho đến khi bà bất ngờ nhận được một cú điện thoại từ Giám đốc điều hành của Motorola. Họ hỏi bà có sẵn sàng giúp họ phát triển một màn hình thủy tinh cho thiết bị mới của họ hay không?

Vào thời điểm đó, các màn hình hiển thị trên hầu hết các điện thoại di động đều được làm bằng nhựa. Motorola muốn có màn hình bằng thủy tinh, có khả năng chống trầy xước và cho hình ảnh sắc nét hơn.

"Tôi nhận được cuộc gọi này và họ nói: “Chỉ cần trả lời có hoặc không, nếu có câu trả lời, chúng tôi sẽ giúp bạn thiết lập quá trình này. Tôi nói có", Chu nhớ lại.

Ngay sau đó, đơn đặt hàng bắt đầu đến từ các nhà sản xuất điện thoại di động khác như HTC, Nokia và Samsung. Năm 2007, Apple gia nhập thị trường với iPhone, trong đó có một màn hình cảm ứng với bàn phím kích hoạt bằng kính dành cho các thiết bị di động, hãng này đã chọn Lens là nhà cung cấp của mình, thúc đẩy Công ty bước vào vị trí thống trị ở Trung Quốc.

Ngay sau đó, Chu đã đầu tư mạnh vào cơ sở mới và thuê kỹ thuật viên có tay nghề cao. Hơn một lần, đồng nghiệp của bà cho biết, bà từng thế chấp cả bất động sản của mình cho các khoản vay ngân hàng. Trong thời hạn năm năm, bà đã có nhà máy sản xuất được xây dựng tại ba thành phố.

"Bà ấy là một doanh nhân đam mê và rất giỏi thực hành", James Hollis, Giám đốc điều hành tại Corning, đối tác của Lens Technology nhận xét, "Tôi đã theo dõi sự phát triển của Lens và dù đang có hơn 100 đối thủ cạnh tranh thị phần béo bở này, nhưng Lens vẫn là số 1".

Các nhà xưởng sản xuất của Lens hoạt động gần như suốt ngày đêm, với 75.000 lao động trải rộng trên ba cơ sở sản xuất chính chiếm diện tích khoảng 800 mẫu Anh.

Mặc dù đưa Lens từ một xưởng sản xuất nhỏ thành nhà cung cấp màn hình cảm ứng trên toàn cầu và trở thành tỷ phú có số tài sản ngang với ông trùm truyền thông John C Malone và Pierre Omidyar, người sáng lập ra eBay, song nữ tỷ phú 45 tuổi này vẫn giữ lối sống giản dị và khép kín. Bà ít xuất hiện trước công chúng và hiếm khi trả lời phỏng vấn. Người phụ nữ thanh lịch với đôi mắt kính nghiêm trang này hầu như chỉ có thú vui là lang thang cả ngày trong các nhà máy của mình.

Kim Tuyến (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục