Người nhập cư với nỗi niềm mái ấm cuối năm

(ĐTCK) Với người lao động nhập cư, mua nhà tại thành phố luôn là mong ước cháy bỏng, nhưng ngay cả khi mua được nhà cũng chưa hẳn đã hết mối lo…

Từ giấc mơ an cư dang dở...

Lên TP.HCM lập nghiệp đã hơn 15 năm, nhưng đến nay vợ chồng chị Trần Thị Thu (quê ở Nghệ An) vẫn ở nhà thuê. Mọi sinh hoạt hàng ngày của 4 người trong gia đình chị chỉ gói gọn trong không gian khoảng 20 m2 phòng trọ. Vẫn biết thuê trọ sẽ bất tiện đủ thứ, nhưng với thu nhập của 2 vợ chồng làm công nhân ở thời điểm hiện tại, việc sở hữu một căn nhà tại TP.HCM quả là giấc mơ xa vời.

Tâm sự với chúng tôi, chị Thu không ngần ngại bộc bạch rằng, đã không ít lần vợ chồng chị tính bán mảnh đất ở quê ở mua nhà ở thành phố, nếu không đủ tiền có thể vay mượn thêm ngân hàng, bạn bè. Nhưng trớ trêu thay, cứ hễ tiết kiệm được khoản tiền nào thì lại có việc dùng đến.

“Như hồi năm 2016, tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng, đang định vay mượn thêm để mua nhà thì tôi sinh thêm em bé. Do gặp biến chứng sau sinh nên phải tốn một khoản tiền điều trị, sức khỏe cũng sút giảm hẳn. Đến năm 2018, khi bé thứ hai được 2 tuổi thì gia đình nhận được hung tin là cháu bị bệnh tim, cần phải mổ gấp. Hết ở nhà chăm con lại đi nằm viện, quay đi quay lại tiền trong sổ tiết kiệm chẳng còn bao nhiêu nữa”, chị nhớ lại và kể thêm, rồi đến năm 2020, khi kinh tế gia đình còn chưa phục hồi thì dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến công việc và thu nhập của gia đình càng bị ảnh hưởng.

Ngay trong đợt dịch đầu tiên, công ty đã không có đủ nguồn hàng nên chị cùng hơn 1.000 công nhân khác phải nghỉ việc. Mặc dù có nhận được khoản bồi thường thất nghiệp 30 triệu đồng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với 4 miệng ăn lại thêm tiền thuốc men, chữa trị.

“Thu nhập chính của gia đình hiện tại đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của ông xã, còn tôi ở nhà làm thêm mấy việc vặt và bán hàng online nên gắng gượng lắm mới đủ ăn, chứ không dám mơ đến việc mua nhà”, chị Thu nói.

Câu chuyện của chị Thu chỉ là một trong rất nhiều lao động tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Propertyguru Việt Nam cho biết, tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng dân số trung bình hiện nay là 2,2% và tại TP. HCM là 2,3%. Vì vậy, mỗi năm Hà Nội và TP. HCM cần có thêm tối thiểu lần lượt 67.333 đơn vị và 57.363 đơn vị nhà ở có diện tích trung bình 70 m2.

Nguồn cung tăng mang lại nhiều cơ hội sở hữu nhà hơn cho người dân.

Ảnh: Dũng Minh

… Đến mối lo trả nợ

May mắn hơn chị Thu và nhiều gia đình lao động tỉnh lẻ khác, sau hơn 8 năm tích góp và vay mượn thêm của bạn bè, cuối năm 2018, anh Trịnh Văn Hải đã có đủ khả năng mua trả góp một căn hộ có diện tích 70 m2 tại quận Bình Tân, TP.HCM.

Đến đầu năm 2020, chủ đầu tư bắt đầu tiến hành bàn giao nhà, gia đình anh khấp khởi mừng chờ ngày dọn về nhà mới. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, dọn về chưa được bao lâu thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Lúc này, anh như “ngồi trên đống lửa” vì các khoản vay ngân hàng khi mua nhà cứ lần lượt kéo tới, trong khi cả hai vợ phải nghỉ việc do dịch.

“Hai vợ chồng đều làm hướng dẫn viên du lịch, tổng thu nhập tầm 40 triệu đồng/tháng. Sau khi tính toán rất kỹ, chúng tôi mới quyết định mua nhà để ổn định cuộc sống. Ai ngờ, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng quá nặng nề, chúng tôi dần bị giảm lương, rồi phải nghỉ việc do dịch vụ du lịch ngừng hoạt động, công ty không có việc làm. Khoản hỗ trợ lương thất nghiệp vài triệu đồng/người/tháng không đủ để trả nợ ngân hàng khiến chúng tôi chới với”, anh Hải bộc bạch.

Cũng rởi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở” là trường hợp của chị Nguyễn Thu Nhi, nhân viên môi giới của một công ty môi giới bất động sản có văn phòng tại quận 2, TP.HCM. Chị Nhi cho biết đã mua căn hộ trả góp ở quận 9 với giá 1,5 tỷ đồng cách đây gần 3 năm. Trong đó, chị vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm trong thời hạn 15 năm; số tiền lãi và gốc (từ năm thứ 2 trở đi) phải trả hàng tháng là 12 triệu đồng.

Thời điểm đó, công ty kinh doanh tốt, thu nhập ổn định, nên khoản tiền trả lãi không gây nhiều khó khăn, thậm chí chị Nhi còn để ra được 5-6 triệu đồng tiết kiệm sau khi trả lãi.

Tuy nhiên, khó khăn dồn dập ập đến từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, công ty không có hàng để bán, số lượng hàng khách gửi bán lại cũng chậm…, doanh thu công ty sụt giảm nên nguồn thu của chị cũng giảm theo. Lúc này, khoản tiền 12 triệu đồng/tháng để đóng cho ngân hàng thực sự là gánh nặng.

“Hiện tại, mọi chi tiêu trong gia đình và khoản tiền lãi ngân hàng đều phải trông cậy vào khoản tiền lương của chồng”, chị Linh nói và cho biết thêm, mới đây, chủ đầu tư đã phát văn bản xử phạt trả chậm và đòi thanh lý hợp đồng mua nhà nếu không tiếp tục đóng tiền.

Dường như câu chuyện của anh Hải và chị Nhi vẫn còn “may mắn” vì dù sao cũng có nhà để ở, còn như trường hợp của ông Dương Mạnh Tài, bỏ tiền ra nhưng kết quả chẳng thấy nhà đâu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tài cho biết, khoảng cuối năm 2019, ông biết thông tin về dự án SPlus RiverView tại phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An (nay là TP. Thuận An), tỉnh Bình Dương, do Công ty cổ phần Quản lý đầu tư STC làm chủ đầu tư. Sau khi tham khảo thông tin và nhận thấy mức giá tại dự án khá phù hợp với nhu cầu và thu nhập nên ông quyết định đặt mua căn hộ có ký hiệu CH.902, diện tích 53 m2 với mức giá khoảng 900 triệu đồng.

Theo nội dung ký kết tại “Phiếu đăng ký căn hộ”, ông phải đóng trước 15% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, tương đương gần 140 triệu đồng. Lúc này, chủ đầu tư cho biết, thời gian dự kiến hoàn thành dự án và bàn giao cho khách hàng là đầu tháng 6/2021.

Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi nộp tiền, ông Tài không nhận được thêm bất cứ thông tin nào về dự án. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, ông đã trực tiếp tới công trường thì mới biết dự án vẫn chưa triển khai xây dựng, khu vực triển khai dự án được quây tôn kín mít, phía trong là bãi đất trống.

Phóng viên đã liên hệ với Công ty cổ phần Quản lý đầu tư STC để làm rõ nguyên nhân chưa triển khai dự án, nhưng không nhận được phản hồi.

Không chỉ SPlus RiverView, trên địa bàn TP.HCM còn có nhiều dự án khác bị “đóng băng” trong năm qua. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó không hiếm trường hợp chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính trước tác động của dịch bệnh mà không thể triển khai dự án.

Đại dịch Covid-19 phủ màu xám lên thị trường bất động sản trong năm 2020, nhưng việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế hồi phục dần, không chỉ khiến bức tranh thị trường bớt tối hơn trong những tháng cuối năm, mà còn mang lại kỳ vọng sáng trong năm 2021. Đặc biệt, việc khung pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản được hoàn thiện sẽ giúp gỡ vướng cho các dự án, tạo nguồn cung mới trên thị trường, mang lại nhiều cơ hội sở hữu nhà hơn cho người dân.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục