Người New York cảm thấy bị hắt hủi

Nhiều người dân New York cảm thấy bị coi như biểu tượng của Covid-19 tại Mỹ, không được chào đón ở nơi khác dù không có triệu chứng. 
Một đại lộ tại Manhattan hôm 27/3. Ảnh: AFP. Một đại lộ tại Manhattan hôm 27/3. Ảnh: AFP.

"Chuyện này sao có thể công bằng được chứ, nhưng nó đang xuất hiện ở mọi nơi", Michelle Chu, nhà chuyên gia đồ họa 44 tuổi sống ở Manhattan, New York cho biết, trong bối cảnh các địa phương khác tại Mỹ dường như đang "cuộn thảm đỏ" với cư dân bang này.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 104.000 ca nhiễm nCoV và hơn 1.700 người chết. Tuy nhiên, không có nơi nào trên đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề như New York, bang đã ghi nhận hơn 44.600 ca dương tính và hơn 500 người chết.

"Tôi biết mọi người đang lo lắng, nhưng điều đó nên dựa trên cơ sở bạn có bệnh hay không. Không loại trừ khả năng tất cả đã bị phơi nhiễm. Tôi nghĩ việc lo lắng không có tác dụng gì", Chu nêu ý kiến, thêm rằng nơi sinh sống đáng lẽ không nên trở thành lý do khiến cô cảm thấy bị hắt hủi. 

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hồi đầu tuần ban sắc lệnh yêu cầu người dân New York, cũng như những hành khách từ New York đến các sân bay ở Florida phải tự cách ly 14 ngày. Chưa rõ sắc lệnh này sẽ có hiệu lực trong bao lâu.

Thống đốc bang Tây Virginia Jim Justice hôm 17/3 cho biết một số người đang đến địa phương này "nhằm trốn tránh vấn đề thực sự nghiêm trọng tại nơi họ sinh sống". Ông nói thêm rằng bất cứ ai đến bang Tây Virginia, "đặc biệt là những người từ New York", đều cần cách ly 14 ngày. 

Những biện pháp nghiêm ngặt nhất được triển khai tại bang Rhode Island, khi chính quyền địa phương điều lính đến biên giới bang để chặn những xe mang biển số New York. Thống đốc Rhode Island Gina Raimondo cũng yêu cầu bất cứ ai từ New York có ý định ở lại bang này phải tự cách ly 14 ngày, kể cả khi họ khỏe mạnh. 

"Tôi biết đây là biện pháp cực đoan", Raimondo phát biểu trong một cuộc họp báo, thêm rằng New York đang là "điểm nóng" của đại dịch. Cảnh sát Rhode Island và Vệ binh Quốc gia còn sàng lọc những người đến sân bay T.F. Green tại thành phố Warwick, yêu cầu họ cung cấp thông tin về kế hoạch di chuyển.

Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của chính quyền địa phương, Larry Sullivan, cư dân thành phố Pawtucket, bang Rhode Island, cho biết chúng không giúp ông cảm thấy an toàn hơn chút nào. 

"Sáng nay tôi nhìn thấy các binh sĩ xuất hiện trên đại lộ I-95. Tôi đang ở bang Connecticut, nhưng giả sử tôi từng đến New York thì sao? Họ sẽ không ngăn tôi lại, trong khi tôi cũng không kém phần nguy hiểm", người đàn ông 55 tuổi giải thích. 

Betsy Ashton, cụ bà 75 tuổi sống tại quận Queens, New York cho rằng cách ứng phó đại dịch mà một số bang đang triển khai là không công bằng. "Thật xúc phạm khi nói rằng chúng tôi có khả năng mang mầm bệnh chỉ bởi vì chúng tôi sống ở đây. Chúng tôi không nhiễm bệnh", bà nói. 


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục