Chỉ mới 5 năm kể từ khi tổng nợ tiêu dùng của người Mỹ đạt 3.000 tỷ USD, đến cuối năm nay, con số này dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ USD.
Chín tháng đầu năm 2018, người Mỹ đã có khoản nợ trị giá 3.930 tỷ USD, không bao gồm các khoản thế chấp, với 1.000 tỷ USD từ thẻ tín dụng và 2.930 tỷ USD từ các nguồn khác như cho vay sinh viên và vay tự động. Với việc mua sắm cuối năm đang diễn ra, LendingTree dự báo nợ thẻ tín dụng của người Mỹ sẽ tăng ít nhất 5%. Khoản chi 600 triệu USD có thể đẩy tổng nợ tiêu dùng tại nước này lên 4.000 tỷ USD.
"Đó là một con số lớn nhưng thực sự không đáng ngại vì có sự tăng trưởng thu nhập từ cuộc khủng hoảng", Chuyên gia kinh tế trưởng của LendingTree - Tendayi Kapfidze nói với CNBC Make It.
Ông không lo lắng bởi nền kinh tế Mỹ năm 2018 đã ổn định hơn so với năm 2008. Giá trị bất động sản và tiền gửi ngân hàng đã tăng hơn dư nợ. "Tiền gửi đã tăng hơn 2.500 tỷ USD so với nợ tiêu dùng. Giá trị bất động sản tăng gần 10.000 tỷ USD so với một thập kỷ trước," ông nói.
Ngoài ra, tốc độ tăng thu nhập cao hơn nợ. "Nợ ròng tiêu dùng cá nhân thực sự đang giảm mặc dù tổng số dư nợ đang tăng", chuyên gia cho biết. Theo LendingTree, tỷ lệ nợ tiêu dùng quá hạn vẫn còn thấp. Nếu tính tất cả các loại nợ, bao gồm các khoản thế chấp thỉ chỉ ở mức dưới trung bình. Không loại nợ nào có tỷ lệ quá hạn gần mức từng ghi nhận trong thời kỳ Đại suy thoái của Mỹ.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn có thể thay đổi nếu lãi suất tiếp tục tăng. Lãi suất thẻ tín dụng đã tăng trung bình 3 điểm phần trăm trong hai năm qua. Hiện lãi suất trung bình của thẻ tín dụng tại Mỹ là 16,6%.
Cụ thể, một người nợ thẻ tín dụng 4.000 USD hai năm trước sẽ trả lãi 540 USD, tính theo lãi suất trung bình năm 2016 là 13,3%. Còn hiện nay, người đó sẽ trả thêm 120 USD tiền lãi mỗi năm, nâng tổng số tiền lãi là 660 USD. "Điều này rất đáng quan tâm vì 57% người Mỹ có ít hơn 1.000 USD trong tài khoản tiết kiệm", Tendayi Kapfidze nói hầu hết mọi người không để ý việc lãi suất tăng.