Người Mỹ cân nhắc gì khi đầu tư vào Việt Nam?

(ĐTCK) “Quan hệ mậu dịch, thương mại chắc chắn sẽ ngày càng tốt…, tuy nhiên, tôi vẫn chưa nhìn thấy khả năng ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ ồ ạt vào Việt Nam”. 
Nhà đầu tư từ Mỹ chắc chắn sẽ toan tính rất nhiều khi đầu tư vào ngành ngân hàng tại Việt Nam Nhà đầu tư từ Mỹ chắc chắn sẽ toan tính rất nhiều khi đầu tư vào ngành ngân hàng tại Việt Nam

Đó là một trong những trao đổi của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế có nhiều năm sống và làm việc tại Mỹ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Ông nhìn nhận như thế nào về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ?

Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam có thể nhìn dưới hai khía cạnh thương mại và đầu tư. Thực tế cho thấy, thương mại đã phát triển rất tốt trong 15 năm qua từ khi có Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, từ năm 2010 đến cuối năm 2015, Hoa Kỳ đã và đang là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch tăng trung bình trên 10%/năm. Năm 2015, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tạo kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, 33,48 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2014. Thặng dư thương mại đạt 25,5 tỷ USD.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào nước này là: dệt may, giày dép, máy vi tính, linh kiện điện tử... Mỹ vẫn đang dẫn đầu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quan hệ mậu dịch vẫn đang ngày càng phát triển tốt. Tuy nhiên, quan hệ đầu tư chưa xứng tầm, với vốn đầu tư vào Việt Nam khá thấp. Tính đến nay, các nhà đầu tư Mỹ mới chỉ đầu tư trực tiếp hơn 11 tỷ USD vào Việt Nam.

 TS. Nguyễn Trí Hiếu

Theo ông, dòng vốn Mỹ đầu tư vào Việt Nam còn thấp là bởi nguyên nhân nào?

Các nhà đầu tư Mỹ thời gian qua không mặn mà trong việc đầu tư vào thị trường Việt Nam do thị trường này quá bé nhỏ, với GDP chỉ hơn 200 tỷ USD, trong khi GDP của nước láng giềng Trung Quốc là hơn 11.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, đầu tư ở Việt Nam phải sau 5 năm, 10 năm, thậm chí còn lâu hơn mới mang lại lợi nhuận. Dù vậy, hàng loạt công ty tên tuổi của Mỹ đã có mặt ở Việt Nam như Coca-Cola, Nike, Uniliver, Kimberly-Clark, Pepsi Cola, Procter & Gamble, Intel, Conoco Phillips. Trong thời gian qua cũng có những hoạt động đầu tư nhỏ lẻ trong lĩnh vực nước thải, môi trường, khai khoáng, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng bán hàng sang Mỹ, trong đó có những nhà đầu tư là Việt kiều.

Trong lĩnh vực ngân hàng, dòng vốn Mỹ vào lĩnh vực này không nằm ngoài tình hình chung. Hiện diện ở Việt  thời điểm này được biết đến nhiều nhất là Citibank . Nhưng thị trường đánh giá, ngân hàng này hoạt động cầm chừng, không khởi sắc tại Việt Nam, dù tháng 7 năm ngoái, vào thời điểm Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Citibank đã tiếp nhận thư chấp nhận về mặt nguyên tắc đối với kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong lễ ký kết tại Trụ sở Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Washington D.C, Mỹ.

Citibank được nhìn nhận giống như một định chế tài chính luôn đi cùng với Chính phủ Mỹ tại các quốc gia mà Mỹ có quan hệ ngoại giao. Một trong những hoạt động chính của Citibank tại các quốc gia đó là cung cấp dịch vụ cho các nhân viên ngoại giao của sứ quán và lãnh sự Mỹ, hỗ trợ các công ty Mỹ đến kinh doanh tại các quốc gia đó.

Bank of America cách đây 20 năm cùng lúc vào Việt Nam với Deutche Bank, nhưng chỉ ở một vài năm đầu rồi rút về. Những năm sau đó có thêm Wells Fargo là ngân hàng ở Mỹ có rất nhiều quan hệ quốc tế và quan hệ đại lý với các ngân hàng Việt Nam, nhưng nhà băng này không mặn mà đầu tư vào một ngân hàng nào của Việt Nam, thậm chí vẫn chưa mở chi nhánh ở Việt Nam, mà mới chỉ có văn phòng đại diện tại TP. HCM.

Trong lĩnh vực ngân hàng, còn lý do gì khiến Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ, theo ông?

Các ngân hàng trên thế giới, nhất là Mỹ rất quan tâm đến vấn đề tuân thủ, quản trị rủi ro, đặc biệt là hoạt động phòng chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch tài chính của các tổ chức tội phạm quốc tế, các nhóm khủng bố trên thế giới và các cá nhân tìm cách trốn thuế. Chính các ngân hàng Mỹ bị áp lực rất lớn từ Chính phủ Mỹ qua sự kiểm soát chặt chẽ của FED, Bộ Ngân khố, FDIC, FBI, Cục thuế liên bang và các cơ quan quản lý ngành ngân hàng tiểu bang trong vấn đề rửa tiền. Như chúng ta cũng đã từng biết, Credit Suisse, UBS... bị Chính phủ Mỹ phạt hàng tỷ USD do vi phạm các quy định về chống rửa tiền. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam được xem là còn non yếu trong công tác phòng chống rửa tiền.

Theo đánh giá của các ngân hàng hàng đầu thế giới, các ngân hàng Việt  Nam đứng hạng chót trong mức thang quản lý rửa tiền. Cụ thể, mức độ rủi ro rửa tiền là từ 1 - mức cao nhất đến 4 - mức thấp nhất, thì hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức 4. Chính vì vậy, ngay cả các ngân hàng Việt Nam muốn mở tài khoản tại một ngân hàng của Mỹ là rất khó khăn. Chỉ một vài ngân hàng hàng đầu của Việt Nam và một vài ngân hàng thương mại cổ phần có quan hệ lâu năm với các ngân hàng Mỹ mới có tài khoản với một số ngân hàng Mỹ.

Đây là điều có vẻ không hợp lý khi mà một ngân hàng Việt Nam muốn mở một tài khoản với một ngân hàng Mỹ mà lại bị ngân hàng Mỹ từ chối. Nhiều người không thể hiểu được là ngân hàng Mỹ cho mở tài khoản có mất gì đâu, mà còn được hưởng số tiền trong tài khoản đó (float) và thu nhập từ các dịch vụ liên quan đến việc sử dụng tài khoản đó. Thông thường, các ngân hàng sử dụng tài khoản của nhau để thanh toán bù trừ cho mọi hoạt động từ chuyển ngân, thanh toán L/C, đến mua bán ngoại tệ và trả nợ.

Nhưng điều mà các ngân hàng Mỹ e ngại là ngân hàng Việt Nam có thể không kiểm soát một cách chặt chẽ dòng tiền ra vào tài khoản đó, từ đó có thể bị các cá nhân hay tổ chức kinh tế lạm dụng để chuyển tiền bất hợp pháp hay cụ thể hơn là rửa tiền. Cuối cùng, những ngân hàng Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý của họ nếu họ sơ suất để các tổ chức tội phạm lợi dụng các dịch vụ và mạng lưới hoạt động của mình. Rủi ro trong hoạt động phòng chống rửa tiền hình như là một e ngại lớn đối với các ngân hàng Mỹ muốn đầu tư vào hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.

Bên cạnh rủi ro rửa tiền, rủi ro tín dụng cũng là một cản trở cho mong muốn đầu tư vào ngành ngân hàng tại Việt Nam. Với tình hình sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp Việt, ngay cả các ngân hàng quốc tế lớn đang hoạt động tại Việt Nam cũng rất hạn chế cho vay doanh nghiệp Việt Nam, mà chủ yếu họ cho vay các khách hàng truyền thống của họ đang kinh doanh ở Việt Nam.

Ít ngân hàng nước ngoài nào dám cho vay doanh nghiệp Việt Nam, vì khó thẩm định được các phương án vay và khả năng trả nợ của khách hàng khi mà các báo cáo tài chính không có độ tin cậy cao và các rủi ro liên quan đến công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm và việc thanh lý tài sản bảo đảm khi cần thiết.

Tóm lại, nhà đầu tư từ Mỹ chắc chắn phải toan tính rất nhiều khi đầu tư vào ngành ngân hàng tại Việt Nam. Đặc biệt là từ khi câu chuyện Hồ sơ Panama bùng lên đã làm cho các nhà đầu tư “suy nghĩ hai lần” trước khi mạo hiểm vào những thị trường mới nổi.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt  tuần này được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực. Góc nhìn của ông như thế nào?

Về quan hệ mậu dịch, thương mại, tôi cho rằng, chắc chắn sẽ ngày càng tốt vì trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa hai quốc gia cả hai đều hưởng lợi. Đối với lĩnh vực đầu tư, dòng vốn Mỹ vẫn còn ở mức độ thấp, nhưng với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ lần này, tôi mong rằng, quan hệ đầu tư sẽ được cải thiện.

Khi Tổng thống Mỹ đi cùng một số doanh nhân gặp mặt Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nhân Việt Nam, sẽ tạo điều kiện để các bên tìm hiểu nhau và có thể đi đến những quyết định và những hợp đồng hợp tác quan trọng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa nhìn thấy khả năng ngay sau chuyến đi này các nhà đầu tư Mỹ ồ ạt vào Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của chiến lược “tái cân bằng” tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện qua Hiệp định TPP. Theo tôi, nếu ông Obama có thể khẳng định TPP sẽ được phê chuẩn trước khi Tổng thống mãn nhiệm thì giới đầu tư Mỹ sẽ mặn mà “nhảy” vào Việt Nam khi thấy những thuận lợi trong việc Việt Nam là thành viên của TPP đã đến gần. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều hy vọng TPP sớm có hiệu lực để mở ra một chân trời mới để thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhưng vấn đề đặt ra là khi nào.

Với viễn ảnh TPP sẽ đi vào cuộc sống, điều mà Việt Nam cần làm là phải có sự chuyển biến mạnh mẽ của cả nền kinh tế để Việt Nam đi vào quỹ đạo phát triển của cả thế giới. Có lẽ chúng ta phải đưa ra một chương trình hành động bao gồm những điều phải làm từ ngắn hạn (1 năm) đến dài hạn (5-10 năm) để thực hiện việc này, trong đó sự thay đổi hệ thống pháp luật, hệ thống tài chính ngân hàng, cách điều hành quản trị của các doanh nghiệp và đặc biệt tư duy của người dân là người dân của đất nước Việt Nam đồng thời cũng phải là người dân của cộng đồng thế giới.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục