Người mới tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông kiếm được bao nhiêu tiền?

Những người mới tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông (Trung Quốc) mang tiền về nhà ít hơn so với người mới ra trường cách đây hơn 30 năm.
Hơn 16% số người tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông phải làm công việc không cần chuyên môn. Hơn 16% số người tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông phải làm công việc không cần chuyên môn.

Đó là kết luận từ cuộc nghiên cứu của nhóm chính sách công mang tên Diễn đàn thế kỷ mới ở Hồng Kông vừa được công bố, theo tờ South China Morning Post.

Cụ thể, mức lương trung bình của một người tốt nghiệp đại học vào năm 1987 là 20.321 HKD (hơn 60 triệu đồng/tháng). Mức này giảm xuống còn 15.457 HKD vào năm 1997, xuống còn 13.100 HKD vào năm 2012 và tăng lên được 14.395 HKD hồi năm ngoái. 

Nghiên cứu còn cho thấy lương hằng tháng trung bình của nhân viên có trình độ đại học giảm 10,4% trong thập niên qua, từ 32.133 HKD trong năm 2007 xuống còn 28.790 năm 2017.

Cũng theo nghiên cứu, ngày càng có nhiều người với trình độ đại học ở Hồng Kông bị buộc phải làm công việc không cần chuyên môn như thư ký, trợ lý bán hàng hay công nhân lắp ráp. Trong năm 1997, khoảng 8,4% số người có trình độ đại học làm những công việc không cần chuyên môn. Tỷ lệ này tăng đều đặn lên 11,4% trong năm 2007 và lên 16,4% trong năm ngoái.

Nhà nghiên cứu Trần Vĩ Cường, giảng viên tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho rằng tình trạng trên một phần xuất phát từ “sự mất giá của bằng cấp” do có quá nhiều người học đại học, dẫn tới chất lượng đào tạo giảm.

Số lao động có trình độ đại học tăng từ 131.900 trong năm 1987 lên 361.900 vào năm 1997, 676.000 trong năm 2007 và nhảy vọt lên 1,08 triệu hồi năm ngoái. “Kết quả là sự mất cân đối giữa cung và cầu về kỹ năng trong thị trường việc làm. Chúng ta đang lãng phí nguồn lực trong việc đào tạo quá nhiều sinh viên đại học”, ông Trần nhận định.


Theo Thanhnien

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục